Phóng sự - Ký sự

Thiêng liêng kỷ vật đi B

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

72.000 hồ sơ kỷ vật của những người đi B gợi nhớ một thời kỳ gian lao mà anh dũng của lịch sử dân tộc. Những ngày cận Quốc khánh 2-9, nhớ đến họ như là một cách nhắc nhở nhau về lòng yêu nước.

"Trong những năm qua có rất nhiều trường hợp hoặc là người thân hoặc chính các nhân chứng sống liên lạc với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III ở 34 Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội để tìm hiểu về các hồ sơ, những kỷ vật mà con cháu họ hoặc chính họ gửi lại trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam, còn gọi là đi B.

Tìm lại thời oanh liệt

Cũng có những người không bao giờ nghĩ mình còn có những kỷ vật và đang được lưu giữ cẩn thận. Nhiều người vẫn chưa biết về hồ sơ đi B một cách đúng nghĩa" - bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, trăn trở.

Hồ sơ đi B thuộc 2 nhóm đối tượng. Một là cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève năm 1954, sau đó tham gia lao động sản xuất trên miền Bắc và được bí mật đưa trở vào miền Nam công tác do yêu cầu của cách mạng từ năm 1959 đến 1975. Hai là một số cán bộ dân sự người miền Bắc đi B trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1975. Cả 2 nhóm này chủ yếu là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… vào Nam công tác theo con đường dân sự do Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý.


 

 Một hồ sơ kỷ vật đi B của tự vệ TP Nam Định
Một hồ sơ kỷ vật đi B của tự vệ TP Nam Định



Theo bà Hoa, từ năm 2005, khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã được trung tâm chỉnh lý, sắp xếp để tiện cho việc tra tìm, phục vụ khai thác sử dụng một cách hiệu quả hơn, góp phần làm thủ tục giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ đi B, những người có công đối với đất nước. Kết quả chỉnh lý khoa học khối tài liệu này cho thấy có 56.963 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945-1975).

Nhiều người đến trung tâm với mong muốn tìm lại một phần của thời oanh liệt, có những người là con cháu muốn tìm lại những gì thuộc về cha ông mình. "Nhiều trường hợp đến chưa nói được gì đã khóc nức nở bởi trong thâm tâm mỗi người đều hướng về một điều gì đó thiêng liêng, vô giá mà người ngoài cuộc sẽ chẳng bao bao giờ hiểu hết" - ông Nghiêm Xuân Bình, Trưởng Phòng Đọc của trung tâm, chia sẻ.

12.000 kỷ vật vô chủ

Trong 72.000 hồ sơ kỷ vật đang được lưu trữ bảo quản, có một khoảng trống rất lớn mà các nhân viên ở trung tâm mỗi khi nhắc đến là lại đau đáu, đó là 12.000 kỷ vật dường như không thể xác định tên tuổi, quê quán của chủ nhân gồm những trang tài liệu, những chiếc huy hiệu, một chiếc mũ hay một lá thư, bức ảnh, đôi khuyên tai…

Bà Hoa tâm sự: "Những kỷ vật này bao năm qua vẫn là một điều gì đó cứ làm tôi suy nghĩ, lúc nào cũng đau đáu sẽ làm gì để những kỷ vật này có ý nghĩa. Thời gian qua có rất nhiều người hoặc trực tiếp hoặc thông qua người thân đã nhận lại được những hồ sơ kỷ vật, điều này lại càng làm chúng tôi trăn trở thêm. Tại sao vẫn còn một số lượng khổng lồ các kỷ vật nằm đó chưa ai nhận?".


 

Bà Trần Việt Hoa khẳng định những kỷ vật đang được lưu giữ cẩn thận
Bà Trần Việt Hoa khẳng định những kỷ vật đang được lưu giữ cẩn thận
Toàn bộ khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III xây dựng thành cơ sở dữ liệu với một chương trình phần mềm dễ tra cứu, sử dụng. Song song với dữ liệu trên máy, toàn bộ hồ sơ còn được in thành các bộ mục lục phục vụ việc tra cứu theo từng địa phương.

Năm 2007, trung tâm đã trao Danh mục Hồ sơ kỷ vật cán bộ đi B cho các tỉnh, thành phố bằng một số hình thức, như: mời đại diện các địa phương đến tận trung tâm để nhận; trung tâm cử người đến tận các các tỉnh, thành phố trao tặng; trung tâm chuyển danh mục qua đường bưu điện đến một số tỉnh, thành phố, đồng thời đưa danh mục này lên trang thông tin điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho việc tra cứu qua internet.

Một trong những việc mà trung tâm đã làm rất nhiều lần là trưng bày kỷ vật hồ sơ đi B ở các tỉnh, thành phố. Cách làm này nhằm tạo cho người dân được tham quan, biết đến một phần của lịch sử đất nước. Nhưng quan trọng hơn là để các cán bộ hay những người thân của các cán bộ đi B nhận được mình qua đó.

"Cách làm này rất hiệu quả, có rất nhiều trường hợp thông qua những cuộc trưng bày này mà cha mẹ nhận được kỷ vật của con, vợ nhận được những lá thư của chồng thất lạc bao nhiêu năm qua. Có những người kết thúc chiến tranh quay về quê và không hay biết những kỷ vật của mình vẫn còn nguyên vẹn dù đã qua hàng chục năm. Vì thế, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức trưng bày nhiều hơn nhằm mang lại những hiệu quả nhất định" - bà Hoa nói.

Bạch Huy Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm