Báo chí vừa đưa một ví dụ rất choáng, rằng có những thiết bị y tế giá nhập khẩu chỉ 13 tỉ đồng nhưng giá trúng thầu vào bệnh viện lên đến hơn 40 tỉ đồng. Phải chăng câu chuyện “nọ kia” như cách dùng từ của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn chưa chấm dứt?
13 tỉ thành 40 tỉ đồng, từa tựa như việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 ở CDC Hà Nội, có lẽ, chỉ là những việc “bị lộ” trong một tình trạng lộn xộn, đẩy giá thiết bị vật tư y tế đã diễn ra từ rất nhiều năm.
Nguyên nhân thì ngành Y tế thừa biết. Một chuyên gia của Bộ Y tế nói: Thông tư 58/2016 hướng dẫn khi mua sắm các mặt hàng không thuộc diện Nhà nước quản lý giá, các đơn vị có thể lấy căn cứ tại một trong các tài liệu, bao gồm: Giá dự toán giao; báo giá của các nhà cung cấp; thẩm định giá; kết quả trúng thầu trước đó.
Và “Khoảng trống pháp lý của các căn cứ này là rộng, từ đó đã dẫn đến tình trạng mỗi nơi một giá, giá “tù mù” do đơn vị sau không biết đơn vị trước mua bao nhiêu, mặt bằng thị trường thế nào... do không được công khai”.
Tù mù bao giờ cũng là kẻ thù của công khai. Và đây cũng là câu chuyện thực tế của chính ngành Y tế.
Năm 2017, với quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến, mặt hàng thuốc, lần đầu tiên được tổ chức đấu thầu tập trung.
Cuộc đấu thầu tập trung này đã tiết kiệm được đến 470 tỉ đồng. Nhưng cái lớn hơn 470 tỉ đồng là sự chấm dứt từ đó tình trạng giá thuốc “nhảy múa”, “tát nước theo mưa”, “chênh lệch giữa các vùng miền, giữa các bệnh viện gây bức xúc cho người dân” - tránh được tình trạng “này nọ” (những chữ trong ngoặc kép là từ dùng của bà Tiến).
Quyết định đấu thầu tập trung mang tính cách mạng ấy đã tạo ra một sự minh bạch khi giờ đây trên website của Cục quản lý dược đang công khai thông tin giá thuốc, từ giá đấu thầu đến giá bán buôn, giá nhập khẩu.
Một sự công khai mà ai đó có muốn tù mù, muốn lòng vòng chắc chắn cũng lo sợ bị phát hiện.
Năm đó, chính nữ Bộ trưởng cũng hứa sẽ áp dụng hình thức này đối với việc đấu thầu thiết bị vật tư y tế.
Nhưng giờ, vẫn là 2,4 tỉ đồng thành 7 tỉ đồng, giờ, vẫn là 13 tỉ đồng đội lên 40 tỉ đồng.
Thiết bị y tế giá nhập cảng 13 tỉ đồng mà bị đội lên đến 40 tỉ đồng khi vào bệnh viện là một sự thật vô lý. Nhưng sự vô lý ấy còn chứa trong nó một sự vô lý hơn: Nó vẫn được chấp nhận. Cho đến khi có những vụ việc bị lộ.
Hình như, việc bịt khe hở đang chỉ thiếu sự quyết đoán của một người lãnh đạo, như việc đấu thầu tập trung năm 2017 mà thôi.
Theo Đào Tuấn (LĐO)