Kinh tế

Nông nghiệp

Thiếu đầu ra ổn định cho mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tìm đầu ra cho sản phẩm mắc ca luôn là bài toán khó hiện nay đối với nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để có giải pháp ổn định, hữu hiệu trong thu mua sản phẩm mắc ca cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương.

Loay hoay tìm đầu ra

Dẫn chúng tôi ra vườn mắc ca đang vào độ thu hoạch, chị Rơ Châm H'Ken (làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai) vừa nhanh tay hái quả vừa tâm sự: “Gia đình tôi trồng 40 cây mắc ca từ năm 2012 theo chương trình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Năm đầu thu bói không bán được, chẳng biết làm gì nên gia đình đem luộc ăn. Qua năm thứ 2, hạt mắc ca đã có người mua nhưng giá rẻ như cho, chỉ 20.000-25.000 đồng/kg”. Xuýt xoa đôi bàn tay vừa bị gai mắc ca cào xước, chị H'Ken kể tiếp: Năm nay là vụ thu hoạch chính, sản lượng cao hơn (khoảng 10 kg/cây). Để bán sản phẩm chị phải tự xoay xở tìm đầu ra. Ban đầu, chị mày mò lên mạng tìm hiểu về cách rang sấy, phân loại hạt, sau đó mang sản phẩm giới thiệu cho bạn bè, người quen, thậm chí giao hàng tận nơi nên sản phẩm bán chạy và được giá hơn. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ nên gia đình chị H'Ken chỉ mới dừng ở bước rang sấy, chưa làm được công đoạn cưa vỏ, tách vỏ… Vì thế, giá bán chỉ khoảng 80.000 đồng/kg đối với hạt khô và 100.000-150.000 đồng/kg hạt rang sấy.

Chị Rơ Châm HKen thu hoạch quả mắc ca. Ảnh: Lê Lan
Chị Rơ Châm H'Ken thu hoạch quả mắc ca. Ảnh: Lê Lan



Là một trong những hộ nông dân tiên phong trồng cây mắc ca xen canh cà phê tại địa phương từ năm 2010, ông Phạm Hữu Đương (thôn Hoàng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cũng không tránh khỏi những khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm. “Sau 5 năm trồng, cây cho quả bói, ban đầu quả thu hoạch về chẳng biết bán cho ai. Thấy mắc ca nằm “đắp chiếu” cả đống, xót của nên con gái tôi đang sống ở TP. Hồ Chí Minh đã mang vào đó chào bán. Hiện tại, nhờ có xưởng chế biến tại TP. Hồ Chí Minh nên sản phẩm bán được với giá 300.000 đồng/kg”-ông Đương cho biết. Theo ông Đương, hiện gia đình có 5 ha mắc ca cho thu hoạch từ 3 năm nay với sản lượng khoảng 2 tấn/năm.

Tuy nhiên, những trường hợp nông dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm mắc ca không nhiều mà phần lớn đều thụ động chờ thương lái đến mua, lại không nắm bắt thông tin thị trường nên bán không được giá, nhiều hộ chán nản đã chặt bỏ. Tiếc nuối vì vừa bán hết số mắc ca mới thu hoạch, ông Ksor Juit (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) buồn rầu: “Mấy hôm trước thương lái đến thu mua, họ trả giá 40.000 đồng/kg hạt khô, thấy cao hơn năm trước nên gia đình bán hết. Nếu để lại, bây giờ bán được giá gấp đôi rồi”.

Cần liên kết để chế biến, tiêu thụ

 


Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có khoảng 300 ha mắc ca. Trong đó, có 50% trồng thuần, tập trung chủ yếu ở các huyện như Đak Đoa, Kbang, Chư Pah, Chư Sê, Chư Prông. 
 

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng hạt mắc ca trên ngày càng tăng mạnh bởi đây là loại hạt mang lại giá trị dinh dưỡng rất cao. Chị Lê Thị Hương (phường Tây Sơn, TP. Pleiku)-khách hàng thường mua hạt mắc ca của chị Rơ Châm HKen-chia sẻ: “Trước đây, tôi thường mua hạt mắc ca ngoại nhập có giá trên 400.000 đồng/kg, vừa đắt lại không ngon vì có tẩm gia vị. Từ ngày được người quen giới thiệu, tôi thường mua hạt mắc ca của chị H'Ken, có khi mua đến chục ký để vừa ăn vừa tặng bạn bè. Đặc biệt, mắc ca Gia Lai tươi mới nên hương vị rất thơm, ăn rất bùi và ngon hơn hẳn các loại mắc ca bán trên thị trường”. Theo chị Hương, điểm trừ duy nhất là công đoạn cưa vỏ, tách hạt vẫn chưa làm được nên khách hàng phải tự đập vỏ khá vất vả. “Nếu tại Gia Lai xây dựng riêng một thương hiệu “made in Gia Lai” thì chắc chắn đây sẽ là sản phẩm được khách hàng ưa chuộng”-chị Hương kỳ vọng.

Trao đổi với P.V, ông Lê Bá Nghiêm-cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho rằng: Mắc ca là cây trồng không có trong quy hoạch của tỉnh ta, diện tích cây mắc ca trên địa bàn không nhiều, chủ yếu trồng xen canh cà phê để góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng không phải là loại cây có thế mạnh vì sản phẩm mang tính thời vụ, giai đoạn thu hoạch ngắn (khoảng 3 tháng), sản lượng ít nên trên địa bàn tỉnh chưa có công ty hoặc đơn vị nào đứng ra thu mua, chế biến. Để tìm đầu ra cho sản phẩm mắc ca hiện nay, theo ông Lê Bá Nghiêm, các hộ nông dân nên thành lập mô hình tổ hợp tác hoặc liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm