Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thiếu vốn duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông thì 1 đồng duy tu, sửa chữa có ý nghĩa bằng 3 đồng đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí hàng năm cho công tác này còn rất khó khăn, hạn chế.

 

Bố trí ngân sách còn hạn chế

Theo phân cấp quản lý, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) chịu trách nhiệm quản lý 4 tuyến quốc lộ: 14C, 25, 19D và đường Trường Sơn Đông (đoạn từ quốc lộ 19 đến hết ranh giới tiếp giáp giữa huyện Krông Pa và tỉnh Phú Yên) có tổng chiều dài 372 km. Cùng với đó là 10 tuyến tỉnh lộ (từ tỉnh lộ 661 đến tỉnh lộ 670) có tổng chiều dài 371 km.

hi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường Thống Nhất (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường Thống Nhất (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa



Qua thời gian, dưới tác động của lưu lượng giao thông ngày càng tăng, một số tuyến đường bị bào mòn, xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp. Trong khi đó, nguồn vốn phục vụ cho công tác này lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Năm 2020, nguồn vốn dành cho công tác bảo trì, sửa chữa các tuyến đường thuộc phạm vi và phân cấp do Sở GT-VT quản lý là 60 tỷ đồng. Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Kết cấu-Hạ tầng (Sở GT-VT) đánh giá: “Mặc dù đã có sự cải thiện so với các năm trước đây nhưng số vốn này chỉ đáp ứng được 45-50% nhu cầu thực tế”.


Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai đang quản lý và bảo dưỡng thường xuyên khoảng 700 km đường bộ gồm: quốc lộ 25, đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 19 (không tính đoạn được đầu tư theo hình thức BOT) và 4 tuyến tỉnh lộ: 662, 663, 665, 668. Ông Trần Công Đại Phúc-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: “Trung bình mỗi năm, Công ty được phân bổ khoảng 50 triệu đồng/km đường để duy tu, sửa chữa. Trong điều kiện nhiều tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp thì nguồn vốn này chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thực tế”.

Đường liên huyện Pleiku-Đak Đoa-Chư Sê, đoạn qua thôn Hàm Rồng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Ảnh: LÊ HÒA
Đường liên huyện Pleiku-Đak Đoa-Chư Sê, đoạn qua thôn Hàm Rồng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Ảnh: Lê Hòa


Không chỉ các đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ mà hầu hết các huyện, thị xã, thành phố cũng bố trí vốn mỏng cho hạng mục duy tu, sửa chữa đường liên huyện, liên xã, liên thôn. Huyện Đak Đoa trực tiếp quản lý khoảng 360 km đường giao thông. Tuy nhiên, năm 2020, Đội Công trình Giao thông huyện chỉ được giao hơn 1,6 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông. Ngoài ra, nguồn vốn duy tu, sửa chữa đối với các công trình hạ tầng giao thông do các xã làm chủ đầu tư cũng chỉ hơn 2,86 tỷ đồng/gần 350 km đường liên thôn, nội thôn, đường ra khu sản xuất, đường lô trục cao su…

“Các tuyến đường do huyện quản lý đều được đầu tư xây dựng cách đây 9-12 năm. Hiện nay, nhiều tuyến đã hư hỏng, xuống cấp, nhu cầu sửa chữa lớn. Mặc dù huyện đã dành sự quan tâm nhất định nhưng nguồn vốn bố trí mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ”-ông Trần Hưng Nghiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Đoa-thông tin.

Cần ưu tiên nguồn vốn duy tu, sửa chữa

Theo ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT, nhiều năm nay, Gia Lai hầu như chỉ quan tâm bố trí vốn xây dựng mới, còn việc bố trí nguồn vốn cho công tác sửa chữa, bảo trì đường bộ chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí, có tuyến đường khi mới hư hỏng nhẹ không được bố trí vốn để sửa chữa kịp thời nên tình trạng hư hỏng càng nghiêm trọng thêm. “Việc dành nguồn lực cho bảo trì đường bộ rất quan trọng. Một đồng vốn duy tu, sửa chữa bằng 3 đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản”-ông Hạnh nói.

Công nhân đang xử lý vệt hằn lún bánh xe trên quốc lộ 19, đoạn qua thị xã An Khê. Ảnh: L.H
Công nhân đang xử lý vệt hằn lún bánh xe trên quốc lộ 19, đoạn qua thị xã An Khê. Ảnh: L.H



Ở Gia Lai, do đặc thù mùa mưa kéo dài, nhiều công trình giao thông bị ảnh hưởng chất lượng, nhất là hệ thống đường thảm nhựa sẽ xuống cấp nhanh hơn, trong khi phương tiện vẫn lưu thông thường xuyên khiến tình trạng hư hỏng càng thêm nghiêm trọng. Cùng với đó, công tác duy tu, sửa chữa đường dưới trời mưa gió gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Thực tế đó đòi hỏi cần có nguồn lực đủ lớn mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu.

Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Gia Lai: Nguồn kinh phí sửa chữa, bảo trì hạn chế, trong khi nhiều tuyến đường đã cũ và xuống cấp, Công ty phải ưu tiên sửa chữa sớm các điểm hư hỏng để tránh loang rộng hoặc hàng năm sẽ tập trung, dồn lực cho các tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng để đảm bảo lưu thông.

Trong thế khó về kinh phí duy tu, sửa chữa đường giao thông, một vài địa phương đã linh động tìm cách tháo gỡ. Tại huyện Đak Đoa, chính quyền huy động các tổ tự quản, thanh niên, phụ nữ để quản lý đường đô thị, đường trục chính liên xã. Đối với đường xã, thôn sẽ huy động vật chất và ngày công trong dân để khắc phục, sửa chữa nhỏ.

“Tuy nhiên, sửa chữa đường cần nguồn kinh phí lớn nên huy động xã hội hóa là rất khó; việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách kịp thời là giải pháp bền vững nhất”-ông Trần Hưng Nghiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Đoa-cho hay.

 LÊ HÒA
 

Có thể bạn quan tâm