Phóng sự - Ký sự

Thịt rừng "tắm" hóa chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại địa bàn Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị đang diễn ra tình trạng bán thịt thú rừng ngâm tẩm hóa chất độc hại. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân không nên dùng thịt động vật rừng hoang dã. Tuy nhiên, thịt các loài động vật hoang dã vẫn đang được tiêu thụ mạnh.
Một thợ săn được người mua đồ rừng đón ngay cửa rừng sau khi về
Một thợ săn được người mua đồ rừng đón ngay cửa rừng sau khi về
 
Chuyện của một “sát thủ” động vật rừng
Sâu dưới rặng Hoành Sơn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có một người đang sám hối về những gì mình đã làm. Người ấy tên là Bình, chuyên sát hại động vật hoang dã, lén lút săn trộm, anh vừa làm lễ thề không đóng gùi đi săn bắn trái phép. Phải mất 3 tháng trời tự đả thông tư tưởng, tự đoạn tuyệt với các mối quan hệ tiêu thụ động vật rừng, Bình mới thanh thản chấp nhận kể về các đường dây mà anh đã tham gia hơn 25 năm qua.
Bình nói: “Mảnh làng của tui có nhiều thợ săn động vật rừng, tui là một trong số đó. 25 năm đánh bẫy chui, tui len lỏi hết các khu rừng hẻo lánh từ rừng Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, vùng Tây Nguyên và thẩm lậu cả rừng bên Lào. Khoảng 20 năm trước, thịt rừng nhiều nên đi về trong tuần hoặc vài ba ngày. Sau này, rừng bị tàn phá, môi trường sống của thú rừng co hẹp, mỗi chuyến đi săn phải mất cả tháng trời, có khi phải 3 tháng mới có thể đưa thịt ra khỏi rừng”. 
Vừa châm điều thuốc, Bình kể tiếp: “Vì không nghề nghiệp nên làm nghề thất đức, trái pháp luật. Cũng có tiền nhưng mỗi chuyến đi về lại lao vào ăn chơi, thành ra cuộc sống không khá lên được. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” mà. Vì đi rừng lâu như thế nên các chủ thu mua thịt rừng cung cấp cho thợ săn như tui lọ hóa chất không màu, không mùi, không vị, họ nói đó là chất bảo quản làm tươi thịt. Những chuyến thú dính bẫy có ướp hóa chất như thế, thịt tươi rói. Bẫy được con nào, rải hóa chất lỏng bên ngoài con thú, hoặc đổ vào bộ phận nội tạng, sau đó bao bọc lại để đi đánh bẫy tiếp. Lội trong rừng cả tháng sau đó trở lại địa điểm cũ đã được đánh dấu, đào đất lên lôi bịch bóng ra con thú không bốc nặng mùi, cứ thế về nhập cho nhà hàng hay nậu vựa. Hóa chất không biết loại gì, nhưng tui nghĩ thất đức mà bỏ nghề không đi săn nữa”.
Thợ săn không ăn thịt thú rừng
Bình tìm đến các nhóm thợ săn trộm ở huyện miền núi Đa Krông (Quảng Trị), Thừa Thiên - Huế…, để thăm hỏi nhau và tuyên bố từ giã khỏi nghề săn bắt thú rừng. Tôi được đi theo với tư cách là một người em họ, chỉ được ngồi quan sát, không được hỏi nhiều về nghề nghiệp của nhóm thợ săn được gặp. Bởi theo Bình, hỏi nhiều là tối kỵ với nghề săn bắn trái phép. Gặp ông Hạ ở miền Tây Quảng Trị, Bình được nhóm của ông mời món thịt gà, không mời đồ rừng mặc dù nhà ông Hạ có tủ cấp đông chật ních đồ rừng vừa được săn bắt về.
Ông Hạ giải thích: “Có chú vào anh em chân tình nhậu thịt gà cho sạch, đồ rừng thì chú biết cả rồi, toàn tiêm hóa chất, “tắm” cho chúng tươi, ăn vào rước bệnh không biết khi nào chết”. 
Họ ngồi nói chuyện bên ly rượu gạo, kể về những chuyến săn khỉ, nai, sơn dương… trái phép giữa rừng sâu. Chốc chốc, ông Hạ lại động viên Bình trở lại để cùng làm ăn, nhưng Bình nói: “Thôi em phải dừng lại bác ạ, từ ngày đi săn thú rừng, ngâm hóa chất cho tươi, số nhà em không được tốt, anh em thì tai nạn người mất, người nằm liệt giường, bố mẹ thì mất sớm, vợ chồng con cái xa nhau biền biệt. Nghỉ để kiếm nghề buôn bán lặt vặt ở quê cho thanh thản, coi như là phần nào chuộc tội với tự nhiên”. 
Ra thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh), Bình gặp lại chủ một đường dây thịt rừng tươi sống - bà Hóa. Chuyện trò đon đả, bà Hóa nói Bình nghỉ việc là một tổn thất với những ai làm ăn cùng Bình. Mỗi gùi đi rừng bà Hóa đóng cho người khác 20 triệu đồng tiền hàng hóa, riêng Bình bà đóng 25 triệu đồng, nhưng lấy giá 20 triệu vì hàng lúc nào về Bình cũng ưu tiên cho bà phần nhiều. Bà Hóa ngoài cảm thấy tiếc nuối Bình “rửa tay gác kiếm” thì còn khoe thêm chất bảo quản có loại mới, tiêm vào da thịt con thú đã chết, để lâu hơn cũng không hư.
Nói đoạn, bà Hóa kêu một số thợ săn đến nhậu nhưng tuyệt nhiên không dọn món nào là đồ rừng, bà nói: “Chị em mình với nhau quá rõ, ăn thịt rừng làm chi cho độc hại, con cái trong nhà cũng tuyệt đối không cho ăn đồ rừng, vì chúng ướp hóa chất mạnh lắm, độc lắm”.
Được thể, Bình nói: “Rứa thì anh em thợ săn ta nghỉ cho rồi, kiếm cái việc gì lương thiện mà làm, lừa người đời, sát sinh thú rừng rồi cũng phải trả giá như tui, cực lắm”. Một thợ săn cạnh bên nói vào: “Anh Bình nay đủ sống rồi nghỉ, chứ bọn tui đang khó khăn quá, nợ tiền bà Hóa biết khi mô dứt”…
Biến thịt thối thành thịt tươi
Bình kể, các đồ tươi sống như kỳ đà, sơn dương, mang, nai... khi mua về, các nhà hàng đều cho thêm hỗn hợp nước tiểu trộn đạm ure và nước muối. Hỗn hợp này đánh bay mùi của thịt ướp hóa chất trong rừng, gùi đường lâu ngày. Nếu con sơn dương mổ ra không bán được vài ngày thì thịt bị xỉn màu, chủ nhà hàng sẽ ra chợ mua tiết lợn về bôi vào cho tươi, khách mới đến sẽ được đưa ra giới thiệu là mới mổ trong đêm như một cách làm yên lòng người ăn. 
 Lợn rừng dính bẫy được mổ xẻ để ngâm hóa chất cho tươi lâu
Lợn rừng dính bẫy được mổ xẻ để ngâm hóa chất cho tươi lâu
Nhà hàng H.H, một trong những nơi hành quyết thú rừng khét tiếng cho giới ăn nhậu Đồng Hới (Quảng Bình), vì lượng khách đông, nên chủ dùng thủ đoạn lấy thịt rừng từ các vùng khác về và tẩm đạm vào cho thịt tươi thêm nhằm quảng cáo uy tín với thực khách. Anh Q., một đầu bếp phục vụ tại đây đã xin nghỉ việc vì công thức pha chế của chủ nhà hàng và khi anh nghỉ, chủ đưa ra điều kiện không được tiết lộ chuyện bếp núc. Q. phải vào Đà Nẵng phục vụ trong một nhà hàng nhỏ để tránh tai mắt của chủ cũ.
Nếu lợn rừng mổ ra để lâu, một số chủ nhà hàng ra chợ mua tiết lợn nhà về tưới lên trước khi trộn lẫn phoóc-môn bảo quản, khách đến cứ nói “vừa mổ xong” và bán với giá trên trời. Những thủ đoạn của thợ săn đang giết dần động vật hoang dã; những thủ đoạn của các chủ nhà hàng đang giết dần mòn sức khỏe thực khách.
Bác sĩ Lại Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết: “Chưa có nghiên cứu chuyên sâu về dư lượng đạm, hay chất bảo quản, hóa chất từ thịt động vật hoang dã, bởi ngành dịch vụ ăn uống từ động vật rừng không được cổ xúy nên không có nghiên cứu chuyên sâu.  Nhưng các lời khuyên đều đưa ra rằng, không nên sử dụng các loại thịt ngâm đạm, hóa chất, tiết canh động vật rừng, bởi hóa chất tích tụ lâu dài sẽ sinh các loại bệnh nguy hiểm như ung thư...”. 
Minh Phong (sggp)

Có thể bạn quan tâm