Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thơ xuân: Đôi điều cảm nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nào tôi cũng thường đọc lướt qua các trang thơ xuân. Năm Giáp Thìn 2024 này, khi đọc các ấn phẩm báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tôi tưởng như lạc bước vào vườn hoa đa sắc, ngát hương.

Cũng là mùa xuân, mỗi tác giả cảm nhận theo cách riêng của mình, từ đó tạo nên sự đa dạng về giọng điệu, phong phú trong xúc cảm, đem đến những cảm nhận tươi mới nhất, sâu sắc nhất cho độc giả.

Này đây là những mênh mang vọng về từ ký ức vời xa nơi làng quê Việt mà cái nghèo hiện ra ngay cả trong phiên chợ Tết: “Xóm thôn dậy một mùi hương/Trầu cau/dưa cải hoa vườn mời nhau. (…) Vài cân thịt, ít lọn rau/Tươi ngon đậm đặc/một màu chất quê”. Tuy thế, sự hiện diện của chợ quê lại khao khát điều lớn lao hơn, là ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-đất nước, thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc: “Chợ quê đã có từ lâu/vẫn còn ấm mãi ân sâu tình làng” (Chợ Tết quê nhà-Nguyễn Tấn Hỷ).

Cũng lấy cảm hứng từ phiên chợ quê ngày cuối năm, tác giả Thuận Ánh gợi niềm tâm trạng “nghèo mà vui” bằng bài thơ giàu hình ảnh từ những thức món rất quê mà cũng rất Tết: bó lá dong xanh, thúng kiệu, mẹt hành, mật mía, thuốc lào… Để rồi khẳng định: “Xuân như thế rộn ràng từ phiên chợ”.

Còn không gian “Tết quê” của tác giả Huỳnh Thị Kim Cương lại khơi gạn từ ký ức, chừng như mặc định ở mọi miền quê, rất đỗi thân thuộc với lớp người lớn lên thời đất nước khó khăn: “Gian bếp nhỏ ấm miền khói tỏa/Bóng mẹ hiền tần tảo sớm hôm/Làn tóc trắng thầm thì năm tháng/Miền Tết xưa thao thức muộn phiền”. Mà chính nhờ đấy, mỗi dịp Tết đến xuân về giục những đứa con xa quay về đoàn viên, sẻ chia và trách nhiệm: “Mẹ còn đứng mỏi mòn bên bậu cửa/Mong đứa con xa chậm bước quay về”.

Mùa xuân ở Tây Nguyên mang dáng vẻ riêng. Vậy nên, đặc trưng vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên gợi cảm hứng đa chiều trong trang thơ viết về mùa xuân. Với giọng thơ nhẹ nhàng, nữ tính, nhà thơ Ngô Thanh Vân đã tinh tế quan sát bước chuyển thời gian, theo mùa đi: “nắng thênh thang rót mật khắp buôn làng/len vào phố vài đóa quỳ nở muộn” (Bước xuân).

Cũng thế, tình yêu đất và người giúp nhà thơ khái quát mối quan hệ cộng sinh, sẻ chia, dâng hiến giữa thiên nhiên-con người-văn hóa: “đất nhuộm màu ngân ngấn đỏ bazan/rủ phù sa nuôi nấng từng ngọn cỏ (…)/chân níu chân nhịp chiêng chùng bối rối/ngả nghiêng say ché rượu thoáng vơi đầy” (Tình xuân).

Bài thơ “Tây Nguyên mùa xuân” của Ya Ly sáng tác theo thể tự do, nhờ vào hình ảnh liệt kê để so sánh, nhân hóa cho Tây Nguyên hiện ra vạm vỡ, phóng khoáng: “Em bông pơ lang của núi/em đóa quỳ vàng của đồi/lớn theo từng mùa rẫy/bazan hai mùa: mưa dầm, nắng cháy/bếp lửa nhà sàn/thức dậy những sớm mai”.

Còn với nhà thơ Lữ Hồng, vẫn là cảm nhận về mùa xuân nơi phố núi Pleiku, nhưng chị đã gợi niềm hy vọng, thuộc về tương lai và khẳng định: “Bông hoa ở phía không người trồi lên vị ngọt đớn đau/Cho phố núi bầy ong tìm mật (…)/Phố và núi cứ bên nhau/Ôm nỗi nhớ suốt đời không di tản” (Phố núi của chúng mình)...

Rất “trung tính” về mùa xuân-mùa hẳn nhiên đến, thuộc về quy luật thời tiết, không bị khúc xạ bởi không gian, thời gian của riêng ai; cũng như đời người, buồn vui là lẽ đương nhiên, nhà văn Thu Loan với mắt nhìn ráo hoảnh trước ngày qua, thêm tuổi, hoa nở, đất trải màu xanh non, lời yêu thương, niềm vui chiến thắng nỗi buồn. Và tự tin, khẳng định dù kết thúc bài thơ bằng câu hỏi nghi vấn: “Xuân đến ngập tràn trời đất/xuân đầy trong mắt lung liêng/mùa phơi phới đầy hương hoa lan tỏa/em là mùa xuân anh có quên?” (Đầy ắp xuân).

Trong khuôn khổ bài viết này, chắc chắn tôi chưa thể điểm hết được những bài thơ hay về sắc xuân của các tác giả. Và, hy vọng rằng, khi đất trời thêm một xuân mới, tôi lại thêm cơ hội thưởng thức những áng thơ về mùa đẹp nhất trong năm này.

Có thể bạn quan tâm