(GLO)- Sau 7 tháng triển khai, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ bò sinh sản cho 20 hộ nghèo ở xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) bước đầu đã đem lại hiệu quả, giúp 8 hộ thoát nghèo.
Là một trong những hộ nghèo được Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ bò giống, ông Điu (làng Kon Nak) vui mừng cho biết: “Được hỗ trợ bò sinh sản, gia đình mình mừng lắm. Nhờ cán bộ hướng dẫn làm chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc nên con bò giống nhà mình rất nhanh lớn, ít bệnh. Giờ bò đã mang thai được 6 tháng rồi. Mình cố gắng chăm bò tốt để phát triển thành đàn, có tiền nuôi con ăn học, gia đình sẽ có cơ hội thoát nghèo”.
Bò giống của các hộ nghèo làng Kon Nak. Ảnh. Đ.Y |
Gia đình ông Pliuh (làng Kon Pơ Dram) sau 7 tháng nhận bò giống từ dự án đã có thêm một bê con. Đưa tay vuốt nhẹ vào lưng bò mẹ, ông Pliuh cười vui: “Khi nhận bò giống, mình bốc trúng con bò đã mang thai nên giờ đã có bê con. Có người trả con bê 5 triệu đồng nhưng mình chưa bán”.
Điểm mới của Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững năm 2016 là kinh phí hỗ trợ được trao trực tiếp đến hộ hưởng lợi để các hộ quyết định tự mua con giống, làm chuồng trại; cán bộ tỉnh, huyện, xã chỉ hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra giám sát thực hiện. Nhờ thế, gia đình ông Nhoan (làng Kon Pơ Dram) bỏ thêm 1,6 triệu đồng mua được 2 con bò giống. “Còn hơn 3 tháng nữa, 2 con bò giống sẽ đẻ bê con. Cố gắng chăm sóc bò của gia đình mình đã đạt kết quả như mong đợi”-ông Nhoan tâm sự.
Hà Đông là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa với 100% dân số là người Bahnar, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững đã được quan tâm triển khai tại địa phương. Trong đó, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản được triển khai cách đây 7 tháng, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ông Chiên-Chủ tịch UBND xã Hà Đông, cho biết: “Đến thời điểm này, 20 con bò giống được dự án hỗ trợ đã đẻ 3 bê con. Trong 20 hộ nhận bò có 8 hộ đã thoát nghèo. Hy vọng Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững sẽ giúp các hộ nghèo của xã có cơ hội vươn lên thoát nghèo”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Nhiều hộ dân sau khi thực hiện dự án đã nhận thức được lợi ích của việc chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất, giúp tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Quan trọng nhất là dự án đã giúp hộ nghèo từng bước thoát nghèo bền vững. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được Sở thực hiện nhiều năm qua, coi đây là một trong những giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đinh Yến