Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Thời kỳ "tiểu băng hà' của trái đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giới khoa học cảnh báo trái đất đang bước vào thời kỳ “tiểu băng hà” do thời gian “ngủ đông” của mặt trời có thể kéo dài đến năm 2050.

Hiện tượng cực tiểu của mặt trời có thể khiến trái đất lạnh hơn - Ảnh: Express


Mặt trời vốn thay đổi theo chu kỳ 11 năm với giai đoạn cực đại và cực tiểu, dù giới khoa học chưa thực sự hiểu được nguyên nhân đằng sau hiện tượng này. Cực đại là thời điểm xuất hiện nhiều vết đen và bão mặt trời nhất. Trong khi đó, thời điểm cực tiểu xảy ra cách đây 2 năm khi năng lượng mặt trời - ngôi sao chủ của trái đất xuống mức thấp.

Tuy nhiên, tờ The Sun dẫn lời Giáo sư Valentina Zharkova tại Đại học Northumbria (Anh) cảnh báo rằng thay vì hướng đến thời kỳ cực đại, mặt trời sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông” trong năm nay, hay còn gọi là hiện tượng cực tiểu lớn (GSM), khiến nhiệt độ toàn cầu có thể giảm đến 10C gây xáo trộn cuộc sống trên trái đất.

Theo bà Zharkova, thời gian này có thể kéo dài đến 3 thập niên. “Ít vết đen hình thành trên bề mặt của mặt trời dẫn đến ít năng lượng và bức xạ phát ra đến các hành tinh khác và trái đất. Nhiệt độ giảm sẽ khiến thời tiết trên trái đất lạnh hơn, với mùa hè và mùa đông đều ướt át và lạnh lẽo”, chuyên gia này dự báo, đồng thời đề cập đến đợt rét đang diễn ra ở Canada khiến nhiệt độ xuống mức -500C.

Hiện tượng GSM có chu kỳ khoảng 400 năm và từng xảy ra vào thế kỷ 17, gọi là giai đoạn cực tiểu lớn Maunder. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), từ năm 1650 - 1710, nhiệt độ ở Bắc bán cầu giảm khi mặt trời vào giai đoạn “ngủ đông” với độ chiếu sáng giảm.

“Vào đỉnh điểm giai đoạn lạnh hơn mức trung bình có tên là tiểu băng hà, châu Âu và Bắc Mỹ lạnh sâu, các sông băng lan ra nhiều thung lũng đang canh tác, băng trôi từ Bắc cực nhiều hơn và những con kênh nổi tiếng ở Hà Lan đóng băng thường xuyên hơn - hiện tượng hiếm khi xảy ra vào ngày nay”, theo NASA.
Theo giới khoa học, nhiệt độ Bắc bán cầu giảm khiến mùa màng ngắn hơn và thiếu thốn lương thực. “Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng việc thu hoạch vì trái cây, rau củ sẽ không có đủ thời gian phát triển đến khi thu hoạch, dẫn đến việc thiếu thốn lương thực cho con người và động vật”, bà Zharkova cảnh báo.

Chuyên gia này nhắc lại việc tuyết rơi nhiều hơn vào năm ngoái tại Tây Ban Nha và Hy Lạp khiến nhiều cánh đồng bị thiệt hại, trong khi Anh cũng thiếu hụt rau củ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phản biện giả thuyết của bà Zharkova. Theo Giáo sư Mathew Owens tại Đại học Reading (Anh), nhân loại có thể sẽ không cảm nhận tác động của GSM cũng như biến đổi khí hậu do hai hiện tượng này triệt tiêu sự thay đổi nhiệt độ ở trái đất.

Theo Khánh An (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm