Thói quen có lợi giúp tránh đột quỵ lúc giao mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người có nguy cơ đột quỵ cao (lớn tuổi, tim mạch, tiểu đường…) nên ăn nhiều rau xanh, hạn chế dầu mỡ, giữ ấm cơ thể khi tập thể dục.

Nhiệt độ thay đổi đột ngột lúc giao mùa có thể khiến cơ thể không kịp thích nghi, mạch máu bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng nhanh. Trời trở lạnh cũng có thể làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu. Khi đó, lượng enzyme tiêu hủy sợi huyết giảm, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị vón cục và lưu lượng máu qua não giảm, dễ gây ra tai biến. Nguy cơ bị đột quỵ vào thời điểm giao mùa cũng cao hơn ở những người lớn tuổi, người mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường...

Ăn đủ chất để tăng sức đề kháng

Cải thiện sức khỏe tổng thể, duy trì trọng lượng cân đối, khỏe mạnh góp phần ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Duy trì thói quen ăn sáng có thể giúp tim mạch ổn định, hỗ trợ cải thiện sức đề kháng của cơ thể và nhất là phòng ngừa tai biến.

Chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung đủ chất béo, tinh bột, các vitamin và nước. Hạn chế thức ăn chiên xào, mỡ (nhất là mỡ động vật), dùng dầu thực vật thay mỡ; tốt hơn là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Thực đơn cần nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể và bổ sung các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sữa... Tránh các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá..., hạn chế ăn muối, các thực phẩm giàu natri. Các loại gia vị như ớt, tỏi, hành tây, gừng, hạt tiêu có thể sử dụng.


 

Chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất... góp phần phòng ngừa đột quỵ lúc giao mùa. Ảnh: Shutterstock.
Chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất... góp phần phòng ngừa đột quỵ lúc giao mùa. Ảnh: Shutterstock.



 Các bữa ăn nên tăng cường cá bởi đây là thực phẩm có lợi cho những người bị bệnh tim mạch. Mỗi người nên ăn 3 bữa cá mỗi tuần, đặc biệt là cá hồi, góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các cơn đột quỵ. Chất béo omega 3 có trong cá, nhất là cá ngừ, cá thu, cá hồi cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể, góp phần làm thành mạch máu vững chắc. Khi bắt đầu ăn cá hoặc bổ sung cá trong thực đơn hàng ngày cũng, bạn dần sẽ ăn ít thịt và các thực phẩm chế biến sẵn hơn.

Chế độ sinh hoạt hợp lý

Khi thời tiết chuyển lạnh, bạn cần mặc ấm, giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; hạn chế ra ngoài, nhất là vào ban đêm. Sử dụng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh. Môi trường làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi cần đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa.

Bạn cũng không nên thức dậy quá sớm bởi sau khi ngủ dậy, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp cơn gió lạnh cũng có thể khiến huyết áp tăng cao. Các cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim buổi sáng đã xảy ra ở những người cao tuổi, người có thói quen tập thể dục sáng sớm. Vì vậy, cần phải hết sức lưu tâm đến việc phòng chống nhiễm lạnh đột ngột khi tập thể dục.

Người có tiền sử bệnh huyết áp, tiểu đường cần tuân thủ khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ để duy trì huyết áp ổn định; không tự ý thay đổi thuốc, tăng liều hoặc uống các loại thuốc khác.


 

Người cao tuổi cần lưu tâm phòng tránh nhiễm lạnh đột ngột khi tập thể dục buổi sáng.
Người cao tuổi cần lưu tâm phòng tránh nhiễm lạnh đột ngột khi tập thể dục buổi sáng.

Kim Uyên (VNE)

Có thể bạn quan tâm