Chúng ta dùng cụm từ “văn hóa giao thông” để chỉ các hành vi ứng xử tích cực, hợp chuẩn trong tham gia giao thông, bao gồm cả việc chấp hành pháp luật về giao thông. Ngược lại với văn hóa giao thông là các thói quen xấu của người tham gia giao thông, đặc biệt là ở các đô thị.
Chạy xe trên vỉa hè không những làm bể nát mặt vỉa hè mà còn tạo nên hình ảnh xấu xí trong giao thông đô thị |
Có thể nêu ra các hiện tượng chủ yếu: Rất nhiều người chỉ vì tiện lợi một chút mà chạy xe bên trái đường, chạy ngược chiều, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi xe máy không đội nón bảo hiểm, đi bộ băng qua con lươn… Có khi thời gian tiện lợi đó chỉ có mấy chục giây đến vài phút, nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, có thể mất mạng hoặc gây nguy hiểm tính mạng cho người khác.
Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, việc bị lấn chiếm để buôn bán đã là rất xấu rồi, nhưng rất nhiều xe máy, thậm chí cả ô tô, chạy lên đó. Chạy xe trên vỉa hè không những làm bể nát mặt vỉa hè mà còn tạo nên hình ảnh xấu xí trong giao thông đô thị. Trên đường, ở giao lộ có các vạch trắng kẻ ngang dành cho người đi bộ băng qua đường, nhưng nhiều người dừng xe cán lên vạch trắng đó, hoặc chạy ào ào qua vạch, buộc người đi bộ phải nhường đường.
Nhiều người lưu thông luôn ở tâm thế là người khác phải chú ý nhường đường cho mình, phải tránh mình, chứ bản thân không quan tâm nhường hay tránh ai hết. Vì vậy, có không ít người tùy tiện rẽ sang làn khác, hướng khác ngay trước đầu xe người khác, buộc người đó phải tránh, rất dễ gây va quẹt hoặc tai nạn.
Nhiều người tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy, không chú ý sử dụng đèn tín hiệu khi rẽ, kể cả vào ban đêm. Nhiều người muốn qua đường thì đưa tay vẫy, chấp nhận lái xe một tay, thay vì có thể dùng đèn tín hiệu. Việc vô tư bấm còi diễn ra gần như ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả ở gần bệnh viện, trường học hay nơi có biển cấm, kể cả lúc nửa đêm, rạng sáng, bấm còi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù đang kẹt xe hay đang dừng đèn đỏ. Một số người còn sử dụng còi hơi sai quy định, còi có âm lượng vượt mức cho phép.
Nhiều người lưu thông miễn sao tiện cho mình thôi, không quan tâm đến các quy tắc về ưu tiên. Có người muốn rẽ phải thì cứ bấm còi hoặc buộc người dừng đúng vạch phải nhường đường, trong khi lẽ ra họ phải kiên nhẫn chờ đến khi có thể lưu thông. Có người rẽ trái mà cứ ào ào chạy buộc người đi thẳng phải nhường. Có người chạy trong hẻm ra nhưng không thèm giảm tốc độ, buộc người đang lưu thông ở hướng ưu tiên phải tránh.
Nhiều ô tô khi qua giao lộ cứ nhìn xe trước mà chạy theo, bất kể khi đã có đèn đỏ, dẫn đến việc xe của họ thành vật cản ngay giữa giao lộ. Đèn vàng ở nơi không có các đèn tín hiệu khác là một cảnh báo để người tham gia giao thông phải lưu ý, giảm tốc độ và thận trọng hơn vì có thể có xe ra vào hoặc nơi có đông người qua lại, thế nhưng nhiều người vẫn chạy như chỗ không có cảnh báo. Còn đèn vàng nơi các ngã ba, ngã tư buộc phương tiện phải dừng nếu chưa tiến vào giao lộ, thế nhưng nhiều người lại xem đó là “đèn tăng tốc”, tức là ráng tăng ga để vượt qua, rất có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác…
Có thể còn rất nhiều thói quen xấu của khá nhiều người tham gia giao thông. Cần phê phán các thói quen xấu này để nâng cao văn hóa giao thông, góp phần giảm tai nạn giao thông, cải thiện điều kiện giao thông của các đô thị, nhất là ở TPHCM. Trong đó, báo chí cần mạnh dạn nêu ra các biểu hiện chưa đẹp, tìm hiểu, lý giải và đề ra các biện pháp khắc phục, từ đó góp phần thay đổi thói quen để xây dựng hành vi giao thông tích cực của mỗi người dân.
Trịnh Minh Giang (quận Thủ Đức, TPHCM)