Sáng 28.11, với 94,13% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, có hiệu lực từ 1.1.2025.
Một điểm mới trong dự thảo luật vừa được Quốc hội thông qua là hình thức, phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Kinh doanh bất động sản trước khi Quốc hội thông qua. Ảnh: Gia Hân |
Theo đó, luật Kinh doanh bất động sản đã mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam) được phép nhập cảnh Việt Nam thì được kinh doanh bất động sản như công dân trong nước.
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam sẽ được đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
Riêng đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam (tức không mang quốc tịch Việt Nam) thì chỉ được kinh doanh bất động sản theo các hình thức như luật hiện hành.
Cụ thể, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không phải là công dân Việt Nam được đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất để bán, cho thuê, cho thuê mua thông qua dự án bất động sản thực hiện theo đúng hình thức, mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không phải là công dân Việt Nam đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật thực hiện theo đúng hình thức, mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai…
Ngoài quy định nói trên, luật Kinh doanh bất động sản cũng có quy định mới trong đặt cọc và thanh toán đối với mua bán nhà ở hình thành trong tương lai (trên giấy).
Quốc hội thông qua luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Ảnh: Gia Hân |
Theo đó, luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh.
Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.
Quy định về đặt cọc chưa được quy định trong luật hiện hành. Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc quy định mức đặt cọc 5% là để đảm bảo thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, đồng thời hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua, thường là bên yếu thế trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo đó, nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng.
Giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua, bên thuê mua.
Dù vậy, so với luật hiện hành, luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua bổ sung quy định thanh toán đối với hình thức thuê mua nhà ở trên giấy. Theo đó, cho tới khi bàn giao nhà, khách hàng chỉ thanh toán 50% giá trị nhà ở, công trình thuê mua. Số tiền còn lại được tính thành tiền thuê hằng tháng để trả cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025.