Bạn đọc

Thông tin cá nhân vẫn bị khai thác trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Luật An ninh mạng có quy định nghiêm cấm doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số khai thác thông tin cá nhân của khách hàng nhưng dường như không mấy hiệu quả.

Mấy ngày gần đây, mỗi lần truy cập vào mạng xã hội Facebook, chị Diệu Thùy (quận 5, TP HCM) lại gặp hàng chục bài viết quảng cáo sản phẩm ghế massage đủ thương hiệu, giá cả. Quá bực mình, chị phải ẩn gần hết các bài đăng quảng cáo trên tường Facebook cũng như tại ứng dụng trò chuyện Messenger. "Tôi chỉ bấm vào tìm kiếm mặt hàng ghế massage một lần để đọc thông tin về sản phẩm, không ngờ các mạng xã hội tôi sử dụng hay thậm chí cả kênh YouTube ngay lập tức chạy các bài quảng cáo sản phẩm liên quan tiếp cận tôi. Mật độ quảng cáo quá dày gây nhàm chán, nhiều thông tin của gia đình, bạn bè bị đẩy xuống khiến tôi không cập nhật được" - chị Thùy kể.

Chị Thùy không phải là người dùng duy nhất của các trang mạng xã hội bị tiếp cận quảng cáo dựa trên lịch sử tìm kiếm thông tin, thói quen cá nhân... Từ vài năm nay, các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, không ngừng tạo điều kiện cho nhà bán hàng tiếp cận người dùng bằng cách này. "Chủ các trang Facebook bán hàng chỉ cần trả tiền quảng cáo cho mạng xã hội này là quảng cáo của họ sẽ được ưu tiên xuất hiện nhiều, tiếp cận được nhóm khách hàng tiềm năng. Họ đánh vào tâm lý của người mua hàng là càng nhìn, càng tiếp cận nhiều đến sản phẩm đang được quan tâm, họ càng dễ bị kích thích, bị xiêu lòng trước những lời mời gọi và kết quả là tỉ lệ mua hàng rất cao" - một chuyên gia thương mại điện tử nhìn nhận.

 

 Các thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội vẫn bị sử dụng cho các hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội vẫn bị sử dụng cho các hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành NTS Việt Nam, nhà phân phối của hãng bảo mật Kaspersky Việt Nam, cho hay qua nhiều lần bị truy vấn, các mạng xã hội thường không công nhận cũng không hoàn toàn phủ nhận việc họ khai thác thông tin, sở thích của người dùng để bán quảng cáo. Theo ông, nếu chỉ đơn thuần khai thác thông tin, cập nhật thói quen... nhằm mục đích quảng cáo sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến người dùng nhưng không loại trừ trường hợp hacker dùng thông tin đó để làm điều xấu, gây nguy hiểm cho người sử dụng. "Các nền tảng Facebook, Google, Gmail... đều công bố tự bảo mật cho hệ thống nên người sử dụng có thể phần nào yên tâm. Tuy vậy, cũng không kiểm chứng được khả năng bảo mật của họ ở mức độ nào. Hiện nay, sử dụng mạng xã hội được coi là một dịch vụ miễn phí nên quyền lợi, quyền hạn của người dùng rất hạn chế. Họ chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế chia sẻ thông tin nhạy cảm liên quan đến cá nhân, gia đình" - ông Ngô Trần Vũ nêu thực trạng.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù Luật An ninh mạng nghiêm cấm doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số khai thác thông tin cá nhân của khách hàng nhưng việc kiểm soát hoạt động của các nền tảng nước ngoài là điều không hề dễ dàng. Hơn nữa, bản thân người dùng cũng có nhu cầu sử dụng nhiều tính năng, tiện ích của các nền tảng số và sẵn sàng chấp nhận một số điểm "khó chịu" nên nếu can thiệp quá mức sẽ không hợp lý.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng mạng xã hội Facebook nếu không muốn tiếp cận các bài quảng cáo không cần thiết, có thể sử dụng một số cách nhằm hạn chế xuất hiện quảng cáo khi truy cập, ví dụ cài đặt "hạn chế quảng cáo", hạn chế công khai thông tin khi lướt web, gỡ bỏ thông tin cá nhân trong mục "Sở thích của bạn"...

Theo THÙY DƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm