Kinh tế

Giá cả thị trường

Thu hồi Cảng Quy Nhơn: Có thể tuyên hợp đồng vô hiệu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và thiệt hại thì bên có lỗi phải bồi thường.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang rốt ráo làm việc với nhà đầu tư để thực hiện kết luận thanh tra, chuyển lại 75,01% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước.
Trao đổi trên báo chí, lãnh đạo Vinalines cho biết đơn vị này không chấp nhận mua lại 75,01% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn theo mức giá thị trường. Vinalines chỉ chấp nhận mua lại Cảng Quy Nhơn với mức giá như ban đầu đã bán cho Công ty Hợp Thành. Còn các khoản như mất đi chi phí cơ hội hoặc lãi suất ngân hàng đối với số tiền trước kia nhà đầu tư bỏ ra để mua cảng thì sẽ được tính toán thêm.
Chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc Vinalines không mua lại 75,01% cổ phần nhà nước theo giá thị trường là hợp lý vì trong vụ việc này, Nhà nước thu hồi lại cổ phần tại Cảng Quy Nhơn do quá trình thoái vốn không đúng.
Phân tích cụ thể, ông Thịnh cho biết, nếu việc mua bán cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn theo thị trường, đúng quy định của Nhà nước, được đấu thầu một cách công khai, minh bạch, rõ ràng và phù hợp với các quy định về cổ phần hóa tài sản công của nhà nước nói riêng và quy định luật pháp nói chung thì việc thu hồi các quyết định bán 75,01% cổ phần nhà nước  tại Cảng Quy Nhơn là không thể thực hiện được. Thay vào đó, phải thực hiện mua bán  theo giá thị trường, nếu không được thì phải ra tòa phân xử.
 
Đã 6 tháng từ khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, vẫn chưa thể lấy lại Cảng Quy Nhơn.
"Bởi quá trình thoái vốn không đúng nên việc thu hồi lại tài sản của nhà nước là là chuyện bình thường. Kể cả trong trường hợp nhà đầu tư được xác định vô tư, trong sáng, không có lỗi thì cũng chỉ trả lại chi phí ban đầu nhà đầu tư đã bỏ ra và có thể tính toán thêm phần lãi, chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra kể từ khi tiếp nhận cảng ở một mức độ nhất định và phù hợp.
Còn trong trường hợp điều tra phát hiện nhà đầu tư có lỗi, móc nối, ăn chia với bên bán để được mua số cổ phần trên thì thậm chí, cơ quan chức năng có thể còn "thu trắng" của nhà đầu tư bởi  quyết định mua bán không đúng thẩm quyền, mua bán không qua đấu giá, không thẩm định giá, gây mất mát, thất thoát tài sản nhà nước. Đó là chưa kể, một số người có liên quan đến vụ mua bán này có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm, kể cả về mặt hình sự.
Trong trường hợp ấy, đương nhiên nhà đầu tư không thể đòi thêm chi phí cơ hội, tính lãi số tiền mình đã bỏ ra", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Trong khi đó, theo LS Trương Xuân Tám ( Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nếu việc mua bán 75,01% cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn được xác định có sai phạm, trái pháp luật thì hợp đồng ký kết giữa hai bên vô hiệu. Hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và thiệt hại thì bên có lỗi phải bồi thường. Đó là nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự.
"Nếu bên nào không đồng ý hợp đồng vô hiệu thì tòa có quyền tuyên hợp đồng vô hiệu, đồng thời tính toán luôn thiệt hại và bên phải bồi thường thiệt hại", LS Tám nói.
Trong trường hợp nhà đầu tư là Công ty Hợp Thành không có lỗi, chỉ có lỗi của phía bên bán thì bên bán phải bồi thường thiệt hại - đó là lãi suất ngân hàng, chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra duy tu, sửa chữa cảng sau khi tiếp nhận cổ phần nhà nước. Khi ấy, cả Công ty Hợp Thành và Vinalines phải cùng tính toán việc này.
"Các bên thỏa thuận được với nhau là tốt nhất, còn nếu không thỏa thuận được thì phải nhờ tòa án giải quyết. Nhà đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu họ không có lỗi, mà lỗi là do bên bán. Trường hợp cả hai cùng có lỗi thì tính theo mức độ lỗi của mỗi bên", vị luật sư cho biết.
Về số cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn sau khi thu hồi, theo LS Trương Xuân Tám cần xem xét kỹ lưỡng xem xử lý thế nào.
Về nguyên tắc, các DNNN phải cổ phần hóa và theo lộ trình Chính phủ đặt ra thì nhiều ngành, nhiều địa phương đã bị trễ hẹn.
Khi tiếp tục bán 75,01% cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư khác, theo LS Tám, số cổ phần này phải được các công ty tư vấn chuyên nghiệp định giá sát với giá thị trường, đồng thời chọn thời điểm bán số cổ phần sao cho có lợi nhất, thu hồi được nhiều vốn nhất. Đây là bài toán của các nhà quản lý cần giải quyết khi bán vốn nhà nước.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, về nguyên tắc phải cổ phần hóa các tài sản công mà nhà nước không cần thiết nắm giữ.
Đối với Cảng Quy Nhơn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định trước đây đã nhiều lần cho rằng cảng rất cần thiết cho khu vực công, cho sự phát triển của miền Trung và đề nghị nhà nươc nên giữ lại.
Việc này, theo ông Thịnh phải xem xét kỹ lưỡng và nếu nhà nước giữ lại thì phải quản theo một cách khác, chẳng hạn như thành lập một doanh nghiệp để quản lý cho có hiệu quả.
Nếu cổ phần hóa thì phải đấu giá công khai, minh bạch trên thị trường. Sai lầm của việc bán cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn trước đây là: thẩm quyền cổ phần hóa không đúng; việc không thẩm định giá chặt chẽ; không thực hiện đấu giá công khai minh bạch, từ đó dẫn đến hàng loạt sai phạm về quản lý khác nhau trong quá trình biến tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân. Nếu tính bán tiếp 75,01% cổ phần nhà nước cho tư nhân thì không thể lặp lại sai lầm này. 
Thành Luân (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm