Đô thị

Thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 31-3, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tiến hành tổng kết việc thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng; đánh giá công tác giao rừng, khoán rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ và phát triển. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp triển khai công tác trồng rừng trong thời gian tới.

Vướng mắc từ cơ sở

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND, từ năm 2017 đến nay, ban chỉ đạo các cấp cùng đơn vị chủ rừng đã vận động 19.450 hộ dân kê khai 37.187 ha nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp; đồng thời, triển khai trồng được hơn 11.000 ha rừng trên diện tích đã kê khai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Kế hoạch số 1123/KH-UBND gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, diện tích đất rừng bị lấn chiếm chủ yếu là của người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã sản xuất nông nghiệp từ lâu và đây là nguồn thu nhập chính của người dân. Mặt khác, nhận thức của người dân về phát triển rừng cũng như chính sách hưởng lợi từ việc trồng rừng còn hạn chế nên công tác vận động, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng gặp nhiều khó khăn; diện tích đất rừng bị lấn chiếm kê khai chỉ chiếm khoảng 30% so với tổng diện tích người dân đang sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp; do chưa có nhà máy chế biến hoặc điểm thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng nên người dân còn e ngại, không an tâm về đầu ra sản phẩm.

Ngoài ra, mức hỗ trợ trồng rừng thấp (chỉ 2,5 triệu đồng/ha/chu kỳ) trong khi người dân tham gia đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu trồng cây ngắn ngày để lo cuộc sống hiện tại nên chưa mạnh dạn đầu tư cũng như vay vốn trồng rừng.

Đáng chú ý, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giao rừng gắn liền với giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại nhiều địa phương đang vướng mắc về hồ sơ thủ tục cũng như chính sách hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc triển khai không đảm bảo tiến độ. Nhiều địa phương chỉ thực hiện giao rừng, không thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với hộ gia đình.

Ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Đến nay, huyện không thu hồi được héc ta nào theo Kế hoạch số 1123/KH-UBND bởi phần lớn diện tích này bà con sản xuất trước khi huyện thành lập, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Do đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên việc vận động họ chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp qua trồng cây dài ngày (keo, bạch đàn hay rừng gỗ lớn) sẽ ảnh hưởng đến sinh kế gia đình.

Ngoài ra, cây bạch đàn đã được trồng thử nghiệm ở địa phương nhưng không thành công. Ngay cả diện tích bạch đàn của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly dù trồng bằng vốn ngân sách với kỹ thuật trồng và chăm sóc rất công phu nhưng vẫn èo uột vì không hợp thổ nhưỡng. “Có hợp tác xã trồng 40 ha keo đến năm thứ 5 mà thân cây chỉ bằng cổ tay. Việc trồng rừng không mang lại lợi ích kinh tế nên công tác vận động người dân chuyển đổi hiện đang gặp khó”-ông Phụng nói.

Ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Nguyễn

Cũng theo ông Phụng, huyện Chư Păh đã nhiều lần gửi văn bản cho các sở, ngành và UBND tỉnh nêu khó khăn, vướng mắc nhưng các hướng dẫn vẫn chưa cụ thể để triển khai thực hiện. “Giao rừng cho dân theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là phù hợp, nhưng vấn đề chúng tôi vướng là phần giao đất. Trong khi đó, Luật Đất đai không quy định giao đất và rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ cho cá nhân và cộng đồng, chỉ giao cho tổ chức nên không quy định quyền và trách nhiệm đối với cá nhân. Nếu sau khi cấp GCNQSDĐ mà họ chuyển nhượng, mua bán, thế chấp hay góp vốn kinh doanh thì ai là người chịu trách nhiệm. Giao rừng thì theo Luật Lâm nghiệp nhưng giao đất thì phải theo Luật Đất đai. Cần làm rõ giao rừng gắn với giao đất, cấp GCNQSDĐ trước khi thực hiện”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh phân tích.

Cùng vướng mắc này, ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho hay: Đến nay, địa phương vẫn chưa thực hiện giao rừng gắn với giao đất và cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư bởi còn nhiều băn khoăn trong việc ghi các nội dung hạn chế quyền của người dân trên GCNQSDĐ. Mặt khác, quyền và nghĩa vụ của người được giao đất lâm nghiệp thì luật và các quy định khác chưa có nên huyện tạm thời chưa thực hiện.

Ngoài ra, do mức hỗ trợ trồng rừng thấp, giảm từ 7 triệu đồng/ha/chu kỳ xuống còn 2,5 triệu đồng/ha/chu kỳ, trong khi các hộ tham gia trồng rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa khuyến khích được người dân. Do vậy, ông Thông kiến nghị lồng ghép các nguồn lực để nâng mức hỗ trợ này.

Trong khi đó, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-nêu thực tế: Ngoài trồng rừng theo chỉ tiêu được giao, người dân trồng vượt kế hoạch nhưng vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí. Cùng với đó, quy định tỷ lệ cây sống đạt trên 85% mới được nghiệm thu là quá cao vì phần lớn diện tích trồng rừng ở khu vực đồi dốc, đất rừng khộp. Mặt khác, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc nghiệm thu rừng trồng là từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong khi người dân đầu tư, Nhà nước chỉ bỏ ra một phần nên quy định này là chưa phù hợp.

Ngoài ra, ông Trọng đề xuất nên linh động việc phân chia tỷ lệ cây sống để hỗ trợ kinh phí từng phần cho dân, không làm ảnh hưởng đến kết quả trồng rừng.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Liên quan đến các vướng mắc trong việc giao rừng gắn với giao đất, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tại các địa phương, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-khẳng định: Tại Điều 45a Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hướng dẫn rất rõ: Đối với đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên-nơi chưa có tổ chức quản lý rừng-mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Bình cũng cho rằng, các nội dung này cũng được quy định tại khoản 2 Điều 173 Luật Đất đai về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất: Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

“Tổ chức và cá nhân cũng vậy, chỉ có quyền hưởng thành quả trên đất, có trách nhiệm bảo vệ phạm vi ranh giới đã giao và không có các quyền như quyền sử dụng đất được giao đất có thu tiền sử dụng đất. Các địa phương khi giao rừng gắn với giao đất và cấp GCNQSDĐ cho dân chỉ cần ghi vào GCNQSDĐ các nội dung là: Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng”-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Quang cảnh hội nghị đánh giá kết quả thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, giao rừng, khoán rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Ảnh: Minh Nguyễn

Quang cảnh hội nghị đánh giá kết quả thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, giao rừng, khoán rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Ảnh: Minh Nguyễn

Cũng tại hội nghị, đại diện các địa phương đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết, đối với diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm mà các hộ dân đã trồng cây phù hợp với mục đích lâm nghiệp như bời lời, cao su, huyện để họ tiếp tục sản xuất. Đối với hơn 1.309 ha đất chưa có rừng trạng thái DT2 (đất trống có cây gỗ tái sinh), địa phương sẽ xây dựng phương án đề nghị tỉnh phê duyệt kế hoạch kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để khoanh nuôi tái sinh, bù đắp cho chỉ tiêu phần diện tích trồng mới.

Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cũng kiến nghị: Ngoài việc giao diện tích đất có rừng thì cũng nên giao luôn đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng hiện do xã quản lý để tránh trường hợp bị lấn chiếm; đồng thời kiến nghị cơ chế để các hộ gia đình liên doanh, liên kết cùng với các tổ chức có năng lực, có vốn trồng rừng, phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nhấn mạnh: Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao rừng của các địa phương.

Cùng với đó, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của các địa phương, đơn vị chủ rừng trong quá trình thực hiện; hướng dẫn công tác giao đất, cấp GCNQSDĐ cho người dân, xem đây là hướng đi đúng nhằm tạo sinh kế lâu dài, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, góp phần tăng độ che phủ rừng.

Có thể bạn quan tâm