Trở thành thủ khoa trường THPT Siquim nước Mỹ, Cathy Đào đang là cái tên nổi bật trong giới trẻ tiểu bang Washington.
Cả quảng trường rộng lớn của thành phố Siquim, tiểu bang Washington dường như lặng đi khi nghe bài diễn văn hơn 2 phút của thủ khoa trường THPT Siquim. Câu kết “Sự tử tế không phải là một điểm yếu mà đó chính là sức mạnh” ngay lập tức trở thành một thông điệp được truyền miệng và được trích dẫn lại trong nhiều ngày sau đó. Hình ảnh cô nữ thủ khoa xinh đẹp đến từ Việt Nam Cathy Dao cũng luôn xuất hiện nổi bật trên trang nhất của báo thành phố, cô bé nhanh chóng trở thành một hiện tượng và gây được tiếng vang trong tiểu bang Washington.
Cathy Đào tại lễ tốt nghiệp. (Ảnh NVCC) |
Ước mơ trở thành nhà ngoại giao
Chuyển sang định cư tại Mỹ sau khi học hết lớp 10, Cathy Đào nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ. Cô nữ sinh của một trường Song ngữ Quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh đã vượt qua hàng nghìn học sinh bản xứ khác để trở thành người tốt nghiệp với thành tích cao nhất toàn trường.
Khi hỏi về dự định trong tương lai, Cathy chia sẻ, em sẽ nhập học tại đại học Stanford với chuyên ngành về ngoại giao quốc tế. Ước mơ của nữ sinh là có thể góp phần sức nhỏ bé của mình trong việc xoá tan rào cản ngôn ngữ và kết nối con người đến từ những nền văn hoá khác nhau, từ đó có thể cống hiến nhiều hơn cho nền ngoại giao châu Á và đặc biệt là Việt Nam sau này.
“Với kiến thức của một học sinh trung học, em không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng em đang cảm thấy rất háo hức về những gì mà trường đại học sẽ mở ra trước mắt và chờ đợi em khám phá. Em nghĩ rằng Stanford sẽ mở tung ranh giới và chân trời kiến thức của em, giúp em chinh phục ước mơ trên con đường ngoại giao”.
Được biết, để chiêu mộ được nữ thủ khoa đến từ Việt Nam, trường Stanford cũng đã phải chi ra hàng chục ngàn USD mỗi năm để miễn học phí cho Cathy. Ngoài trường này, Cathy Đào còn trúng tuyển vào trường UC Berkely và trường UCLA của Mỹ.
Không chỉ học giỏi, Cathy còn được nhiều người biết đến bởi những hoạt động ngoại khóa năng nổ, vì lợi ích cộng đồng.
Trong một bức thư gửi các em học sinh khóa dưới đang theo học tại trường cũ ở TP. Hồ Chí Minh, Cathy viết: “Thế giới này là sân khấu của bạn và chính bạn là nhà biên kịch. Hãy nghĩ đến những trường đại học danh tiếng, họ đang tìm kiếm những câu chuyện của bạn, quan trọng hơn đó là những câu chuyện có chiều sâu, chân thực và cho thấy niềm năng trong con người bạn. Ai sẽ viết lên những câu chuyện đó, chính bạn chứ không phải ai khác. Hãy bắt tay vào hành động, tạo ra sự khác biệt và luôn chủ động, làm tốt nhất với khả năng của mình, không chỉ cho gia đình hay xã hội mà trên tất cả, bạn làm điều đó vì chính mình”.
Khi còn học tại Việt Nam, Cathy đã sáng lập ra một CLB âm nhạc của riêng mình. Đó không chỉ là nơi để em được thỏa thích với niềm đam mê ca hát, mà còn là cách để Cathy thực hiện những kế hoạch đầy nhân văn mà cô bé luôn ấp ủ. Với mong muốn được chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, Cathy Đào đã cùng các bạn trong ban nhạc thực hiện các buổi hòa nhạc hấp dẫn để gây quỹ.
Khi sang Mỹ, Cathy tiếp tục tham gia vào ban nhạc Jazz của trường và trở thành thành viên trong Hội đồng học sinh. Cô gái nhỏ bé đến từ Sài Gòn, mang phong cách có chút bụi bặm lại tiếp tục cháy hết mình cho các hoạt động xã hội. Cathy chia sẻ: “Với em, âm nhạc là một điều gì đó đặc biệt, em muốn sử dụng nó để tạo và lan tỏa những điều tốt đẹp”.
Tại Mỹ, cô gái đến từ Việt Nam đã dùng lời ca trong bài hát “Hãy thắp sang ước mơ” do chính cô sang tác để kêu gọi cộng đồng và người dân bỏ phiếu bầu thông qua luật thuế liên quan đến gói tài chính nâng cấp trường học của thành phố.
Lòng trắc ẩn đã dẫn dắt Cathy đến với nhiều hoạt động xã hội nhân văn. Sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng cô bé 17 tuổi lại rất thấu hiểu và cảm thông cho những số phận bất hạnh quanh mình. Cathy luôn trăn trở làm sao để giúp được các bạn trẻ khác cũng có những cơ hội như mình để mở ra những cánh cửa ước mơ của tuổi trẻ và từng bước chinh phục ước mơ ấy.
Một lần khác, Cathy lại dẫn đầu một nhóm học sinh quyên góp giày cũ để ủng hộ học sinh nghèo. Kết quả là nữ sinh Việt Nam đã quyên góp được hơn 1.000 đôi giày.
Trả lời trên báo Mỹ, Cathy từng nói, “thay đổi không đến khi bạn ngồi đó và rên rỉ, than phiền. Thay đổi chỉ đến khi bạn thực sự đảm nhiệm một vị trí tiên phong, chủ động và tham gia vào các hoạt động cộng đồng”.
Với Cathy, những hoạt động ngoại khóa giúp cô bé có thể góp phần thay đổi xã hội và thay đổi chính bản thân.
Luôn sẵn sàng đặt ra câu hỏi
Trở thành ngôi sao của trường trong mọi lĩnh vực, Cathy Đào chia sẻ: “Bí quyết của em không có gì cao siêu, chỉ đơn giản là sự tò mò và siêng năng. Em nghĩ rằng việc tự giác hoàn thành hết các bài tập trên lớp, chủ động tìm tòi kiến thức mới, quan trọng hơn là luôn sẵn sàng đặt ra những câu hỏi cho thầy cô sẽ giúp việc học trở nên dễ dàng hơn”.
Ngoài ra, Cathy cho biết: “Với những môn khoa học tự nhiên, em hay sử dụng bản đồ tư duy để tóm tắt và sắp xếp ý tưởng một cách logic. Đối với những môn khoa học nhân văn, em thường cố diễn kịch theo những tình tiết trong tác phẩm”.
Thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Trung khi còn học cấp 2, Cathy Đào bật mí, em học ngoại ngữ thông qua việc đọc sách báo và nghe nhạc nước ngoài để trau dồi vốn từ vựng, cách diễn đạt câu từ và ghi chép những từ mới ra bộ thẻ ảo trong điện thoại để tiện ôn tập khi rảnh rỗi. Sử dụng tốt tiếng Anh, nên Cathy Đào không gặp khó khăn khi đến sinh sống tại Mỹ, thậm chí trong lễ tốt nghiệp, em còn được nhà trường trao tặng danh hiệu là học sinh xuất sắc của năm về nghệ thuật ngôn ngữ tiếng Anh. Đó là một phần thưởng vô cùng vinh dự vì nó không rơi vào dân bản xứ nói tiếng Anh mà lại được trao về một cô bé Việt Nam mới đến Mỹ chưa được bao lâu. Mới đây nữ sinh cũng đã thể hiện khả năng giao tiếp hết sức tự nhiên và dí dỏm qua phần trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh của Washington về danh hiệu thủ khoa trường Siquim.
Theo VOV