Kinh tế

Nông nghiệp

Thu nhập khá từ nuôi thỏ thương phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ 3 con thỏ giống New Zealand, sau gần 3 năm kiên trì gây dựng, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của ông Nguyễn Văn Huých (làng Ô Rê 2, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mang lại lợi nhuận gần 150 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, ông Huých còn giúp đỡ nhiều hộ dân trên địa bàn nhân rộng mô hình và liên kết hỗ trợ nhau về đầu ra sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Trong lúc loay hoay chưa biết “nuôi con gì” mang lại hiệu quả cao thì tình cờ ông Huých được người bạn ở huyện Chư Prông giới thiệu mô hình nuôi thỏ thương phẩm. Nhận thấy thỏ là loài vật có vốn đầu tư thấp, không kén chọn thức ăn, có thể tận dụng các loại rau, cỏ dại sẵn có trong vườn nên ông quyết định mua 3 con thỏ giống New Zealand với giá 1,7 triệu đồng về nuôi.

 Ông Nguyễn Văn Huých (làng Ô Rê 2, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) trao đổi kỹ thuật nuôi thỏ với người dân. Ảnh: Phan Thương
Ông Nguyễn Văn Huých (làng Ô Rê 2, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) trao đổi kỹ thuật nuôi thỏ với người dân. Ảnh: Phan Thương


Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ từ nhiều trang trại khác nhau cũng như trên các diễn đàn chăn nuôi, ông dần nắm chắc kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, đàn thỏ phát triển khỏe mạnh và sinh sản. Khi đã có thị trường tiêu thụ, ông đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Hiện tại, đàn thỏ của gia đình có 1.000 con được nuôi tại 2 khu vực chuồng trại.

“Thỏ được cho ăn theo tỷ lệ 50% tinh bột và 50% chất xơ nên thịt chắc và ngon. Thỏ được nuôi tầm 4 tháng thì xuất bán với giá 80 ngàn đồng/kg. Mỗi tháng, tôi cung cấp hơn 200 con thỏ thương phẩm cho các nhà hàng ở TP. Pleiku, tỉnh Kon Tum và người dân ở địa phương”-ông Huých cho hay.

Theo ông Huých, muốn nuôi thỏ đạt hiệu quả, ngoài khâu chọn giống, người chăn nuôi cần lưu ý từng giai đoạn phát triển của thỏ để có chế độ chăm sóc phù hợp. Bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh và bổ sung các loại vitamin, ông còn cho thỏ ăn các loại thảo dược như: lá mật gấu, đinh lăng, chè... để ngừa bệnh tiêu chảy và bổ sung chất đạm.

Để hạn chế số lượng thỏ con bị chết, ông tách thỏ con mới đẻ ra khỏi thỏ mẹ và nhốt riêng, ủ ấm đến khi thỏ con mở mắt. Trong thời gian đó, thỏ con được ẵm đến bú sữa mẹ mỗi ngày 1 lần. Thỏ được 30 ngày tuổi thì không cho bú mẹ nữa và chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm.

“Thỏ rất dễ nhiễm bệnh ngoài da và đường ruột nên chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo. Thỏ được ngăn từng lồng. Lồng nuôi được đặt trên các trụ cách mặt đất 70 cm và được trang bị hệ thống uống nước tự động. Dưới các lồng thỏ, tôi nuôi thêm chuột lang để chúng ăn thức ăn thừa rơi vãi xuống đất, cũng như loại bỏ các loại côn trùng”-ông Huých cho biết thêm.

Từ thành công của mô hình, ông Huých nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ dân trong xã có nguyện vọng nuôi thỏ. Ông và một số hộ dân ở địa phương còn liên kết, hỗ trợ thỏ thương phẩm cho nhau để gom đủ số lượng cung cấp cho bạn hàng.

Anh Bùi Anh Tuấn (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă) bộc bạch: “Chú Huých rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ cho tôi. Nhờ sự giúp đỡ của chú mà gia đình tôi đã nhân giống và phát triển đàn thỏ lên gần 800 con. Gia đình tôi và chú thường hỗ trợ thỏ thương phẩm cho nhau để gom đủ số lượng, xuất bán kịp thời cho khách hàng”.

Bà Đoàn Thị Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Grăng-đánh giá: Mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Huých rất phù hợp với điều kiện sản xuất nông hộ ở địa phương, mức đầu tư vừa phải, rủi ro lại ít. Đây cũng là địa chỉ được nhiều người dân tìm đến tham quan học tập và hỗ trợ lẫn nhau để có hướng phát triển kinh tế gia đình.

 

PHAN THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm