Kinh tế

Nông nghiệp

Thu nhập ổn định từ vườn cam sành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Đậu Thiên An (làng Tol, xã Ia Hlốp) là người đầu tiên đưa giống cam sành miền Tây về trồng thành công tại huyện Chư Sê. Qua hơn 1 năm chăm sóc, vườn cam của gia đình anh đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập khá.
Cuối năm 2017, vườn hồ tiêu của gia đình anh An bị nhiễm bệnh rồi chết dần. Vợ chồng anh gần như suy sụp bởi bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào vườn hồ tiêu bỗng dưng “không cánh mà bay”. “Thời điểm đó, tôi nghĩ phải tìm một hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Thấy nhiều hộ tại địa phương cũng chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác như: chanh dây, mít Thái, bơ... nhưng tôi vẫn muốn tìm một loại cây trồng nào mới mẻ hơn và có hiệu quả lâu dài. Vậy là tôi quyết định đi miền Tây một chuyến để tìm hiểu về việc trồng cây ăn quả”-anh An tâm sự.
Khi đặt chân đến tỉnh An Giang, anh An thấy nhiều người trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao. Dù rất thích loại cây trồng này nhưng anh cũng khá băn khoăn bởi khí hậu và thổ nhưỡng ở An Giang hoàn toàn khác với Gia Lai, liệu cây cam sành có “bén rễ” được ở vùng đất mới? Anh đem những băn khoăn, lo lắng ấy của mình đến các nhà vườn ở An Giang và gặp một số chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp nhờ giải đáp. Khi nhận thấy giống cam sành miền Tây có thể phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất cao nguyên, anh vui mừng về bàn bạc với vợ và quyết định cải tạo gần 5 ha đất hồ tiêu chết để trồng 500 gốc cam sành.
 Anh Đậu Thiên An (làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) chăm sóc vườn cam sành của gia đình. Ảnh: T.D
Anh Đậu Thiên An (làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) chăm sóc vườn cam sành của gia đình. Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Các mô hình trồng cây ăn quả bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Định hướng từ nay đến năm 2025, huyện sẽ phát triển diện tích trồng cây có múi, chủ yếu là cam, quýt, bưởi, sầu riêng từ 300 ha đến 500 ha, có ứng dụng công nghệ cao. Hiện đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết với nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ăn quả.

Theo anh An, giống cam này nếu trồng ở vùng trũng cần đắp mô, đào mương để thoát nước; trồng ở vùng cao phải đào hố, đánh bồn để tiện cho việc tưới nước và giữ ẩm vào mùa khô. Tuy đã được hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây cam sành nhưng thời gian đầu, vợ chồng anh cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc. Nhiều lúc ăn ngủ cũng không yên bởi lo lắng cho vườn cam. Đặc biệt, phải giữ ẩm trong thời gian 1 tháng đầu tiên để cây mau chóng đâm rễ mới. Khi cây còn nhỏ có thể trồng xen các loại đậu đỗ để hạn chế cỏ dại và tăng thêm đạm hữu cơ cho đất. “Cây giống cam sành có 2 loại, loại chiết cành và loại ghép. Với loại chiết cành, cây sẽ mau ra quả nhưng tuổi thọ kém, bộ rễ yếu. Cây ghép khỏe mạnh hơn, tuổi thọ cũng lâu hơn vì bộ rễ phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, tôi chọn những cây giống ghép sạch bệnh, khỏe mạnh tại những vườn ươm uy tín ở An Giang. Cây ghép trồng 1,5 năm thì ra quả, chu kỳ khai thác lên đến 15 năm. Cùng với kỹ thuật xử lý ra quả trái vụ, giống cam sành này hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập ổn định”-anh An chia sẻ.
Sau hơn 1 năm trồng, vườn cam của gia đình anh An đã cho thu bói. Theo anh An, với gần 500 cây cam sành miền Tây, anh thu về khoảng 50 triệu đồng. “Bước đầu, tôi thấy trồng giống cam này rất hiệu quả. Vườn cam ra quả quanh năm nên cho thu nhập khá đều đặn. Ngoài ra, trồng cam sành nhàn hơn rất nhiều so với cây hồ tiêu, cà phê. Hiện giờ, gia đình tôi còn gần 4 ha hồ tiêu, cà phê đã già cỗi. Chúng tôi dự tính sẽ phá bỏ bớt hồ tiêu, cà phê để mở rộng diện tích trồng cam sành trong thời gian tới”-chị Nguyễn Mai Trâm (vợ anh An) cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam sành, anh An cho biết, sau khi trồng phải theo dõi cắt bỏ các cành vượt, chồi mọc ra từ gốc ghép. Khoảng 1-2 tháng khi cây đã bắt rễ đâm chồi thì tiến hành hãm ngọn ở chiều cao 70 cm và chỉ giữ lại 7-10 chồi khỏe mạnh, phân bổ đều kiểu ngôi sao quanh gốc để tránh hiện tượng che khuất ánh sáng lẫn nhau. Ở giai đoạn cây trưởng thành phải thường xuyên cắt bỏ các cành già cỗi, sâu bệnh, cành bị gãy đổ. Ngoài ra, cần cung cấp đủ nước cho cây trong mùa khô, lúc quả đang lớn và lúc sắp chín. Muốn hạn chế được sâu bệnh, quả cam không bị rám nắng, cho nhiều nước thì phải bọc lưới xốp cẩn thận.
Ông Nguyễn Văn Đương-Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp-cho biết: “Sau khi một số diện tích hồ tiêu bị chết và giá cả một số loại nông sản xuống thấp, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chuyển sang trồng cây ăn quả. Trong đó, mô hình trồng cam sành miền Tây của gia đình anh An đã mở ra hướng đi mới. Với chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro hơn nhiều so với trồng hồ tiêu, việc phát triển cây cam sành còn đem lại cho các hộ nguồn thu nhập khá cao và ổn định”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm