Kinh tế

Nông nghiệp

Thu tiền tỷ nhờ trồng chanh dây xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và canh tác theo hướng sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vườn chanh dây của ông Nguyễn Văn Minh (tổ 3, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn cho năng suất, chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2018, ông Minh bắt đầu làm quen với cây chanh dây. Thời gian đầu, do ông chưa nắm được quy trình kỹ thuật, thuộc tính của loại cây trồng mới này nên năng suất, hiệu quả mang lại không cao. Không nản lòng, ông Minh đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc chanh dây theo hướng sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Sau một thời gian mày mò, đúc rút kinh nghiệm chăm sóc, vườn chanh dây của gia đình ông bắt đầu cho “quả ngọt”. Ông Minh cho biết: “Trước đây, gia đình chủ yếu trồng dưa hấu, mía. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây khá phù hợp với cây chanh dây nên tôi quyết định chuyển đổi dần sang trồng loại cây này. Lúc mới bắt đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng đúng quy trình chăm sóc cây chanh dây bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với những cây trồng khác”.

 Nhờ sản xuất theo hướng sạch nên vườn chanh dây của ông Nguyễn Văn Minh luôn đạt năng suất cao. Ảnh: Q.T
Nhờ sản xuất theo hướng sạch nên vườn chanh dây của ông Nguyễn Văn Minh luôn đạt năng suất cao. Ảnh: Quang Tấn



Theo ông Minh, làm nông nghiệp trước tiên phải sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do đó, ngoài áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp bón phân cho hơn 1,1 ha chanh dây, ông còn chú trọng quản lý sâu bệnh hại bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học. Đặc biệt, ông còn làm ra thuốc diệt trừ côn trùng gây hại cho vườn cây từ hỗn hợp ớt, gừng, tỏi, sả. Nhờ vậy, vườn chanh dây của gia đình luôn đạt năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước châu Âu, được thương lái đến tận nơi để thu mua.

“Làm chanh dây sạch để xuất khẩu sang châu Âu không khó, quan trọng là mình phải chọn được giống đạt chất lượng, bón phân cân đối và đặc biệt phải quản lý được sâu bệnh hại. Bên cạnh sử dụng thuốc trừ sâu tự ủ, tôi còn dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học khác như nano bạc, nano đồng… để luân phiên phun cho vườn cây khoảng 7-10 ngày/lần nhằm đạt hiệu quả cao hơn, tránh bị lờn thuốc. Vụ chanh dây năm vừa rồi, tôi thu được khoảng 70 tấn, trong đó có khoảng 70-80% đạt tiêu chuẩn đi châu Âu với giá 35-38 ngàn đồng/kg, số còn lại bán xô với giá 14-15 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi trên 1 tỷ đồng. Nếu giá chanh dây giữ ổn định như hiện nay thì ít loại cây trồng nào trên địa bàn cho lợi nhuận cao hơn. Dự kiến năm nay, tôi mở rộng trồng thêm khoảng 1 ha chanh dây”-ông Minh phấn khởi cho hay.

Hiện nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đak Pơ đang chuyển một số diện tích mía, rau màu kém hiệu quả sang trồng chanh dây. Ông Minh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm canh tác chanh dây theo hướng sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất đi châu Âu cho các hộ có nhu cầu. Ông cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm tìm nguồn giống chanh dây chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, cây chanh dây mới du nhập vào địa bàn huyện vài năm trở lại đây với tổng diện tích khoảng vài chục héc ta. Mô hình trồng chanh dây theo hướng sạch, đạt tiêu chuẩn xuất đi châu Âu của ông Minh khá thành công. Đây sẽ là mô hình điểm để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mới đây, ông Minh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022. “Thời gian tới, dựa vào bản đồ thổ nhưỡng, chúng tôi sẽ quy hoạch vùng trồng chanh dây để định hướng người dân sản xuất phù hợp với từng vùng. Đồng thời, tập trung quản lý tốt nguồn giống, nhất là làm việc với các công ty để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ giống, đầu vào đến bao tiêu đầu ra”-ông Hiệp cho hay.

 

 NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm