Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Nhiều người bỏ cả công việc, sản xuất để đi kinh doanh đất"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất kinh doanh để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng "sốt đất" cục bộ và tạo nên những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như trên cả nước.
Bỏ cả công việc, sản xuất để đi kinh doanh đất
Liên quan tới tình trạng "sốt đất" tại nhiều địa phương, chia sẻ với PV, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian qua Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời, cùng sự vào cuộc của các bộ ngành và địa phương, cho nên thị trường bất động sản có được sự kiểm soát và phát triển ổn định, lành mạnh.
Các dự án bất động sản trong thời gian qua cũng đã được đầu tư với quy mô lớn, đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo đầy đủ pháp lý để giao dịch và giúp cho thị trường bất động sản trong năm 2020 ổn định.
Giá bất động sản trong năm 2020 mặc dù có tăng nhẹ, nhưng không tạo nên hiện tượng trầm lắng, đóng băng, giữ cho thị trường bất động sản năm 2020 ổn định, phát triển lành mạnh.
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, bước vào quý I/2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, mặc dù lượng giao dịch bất động sản theo qua theo dõi của Bộ Xây dựng, chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý IV/2020. Giá bất động sản cũng có tăng nhẹ, nhất là giá bất động sản ở các chung cư cũng tăng từ 5 – 10%.
Đặc biệt trong thời gian qua, giá bất động sản đất nền, có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước, có thể nói đến một số vùng ven như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… một số nơi có hiện tượng tăng giá đất nền một cách cục bộ nhưng rất nhanh.
"Nhiều người dân bỏ cả công việc, bỏ cả sản xuất kinh doanh để đi kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng sốt đất cục bộ và tạo nên những rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như trên cả nước", ông Sinh nói.
 
Nhiều người dân địa phương tham gia vào cơn
Nhiều người dân địa phương tham gia vào cơn "sốt đất" với vai trò "môi giới".
Bên cạnh đó, theo vị thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong thời gian qua chúng ta cũng thấy là nhiều giao dịch bất động sản cũng đã nổi lên những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, đặc biệt là các giao dịch bất động sản không đủ các điều kiện pháp lý.
"Nhiều dự án chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã giao dịch bất động sản; nhiều giao dịch bất động sản, giao dịch ở đất rừng, đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh mà chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển các dự án bất động sản. Có thể nói đây là các giao dịch là không đảm bảo yêu cầu pháp lý, tiềm ẩn các rủi ro, đặc biệt là các rủi ro cho người dân khi đầu tư vào bất động sản trong thời gian vừa qua", ông Sinh nói.
Nguyên nhân gây "sốt đất"
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng "sốt đất" như thời gian qua. Cụ thể:
Thứ nhất, thời gian qua, trong việc phát triển kinh tế xã hội, hầu hết các địa phương cũng đang rất tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch 2017. Các địa phương cũng rất chú ý đến việc quy hoạch đầu tư, phát triển các dự án đô thị, dự án nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn. Việc nâng cấp đô thị ở các đô thị trên các địa phương cũng được diễn ra một cách rất đồng bộ.
Tuy nhiên, việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của các địa phương cũng chưa được công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân và doanh nghiệp nên dẫn đến các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản đã lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đã đẩy giá đất lên cao như trong thời gian vừa qua.
 
Hiện tượng
Hiện tượng "sốt đất" ảo diễn ra ở nhiều địa phương thời gian qua.
Nguyên nhân tiếp theo là, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên hoạt động của các ngân hàng đặc biệt là lãi suất ngân hàng, trong đó có lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đều rất thấp. Do vậy, không hấp dẫn người dân để gửi tiền. Việc đầu tư của người dân ở trong thị trường chứng khoán cũng đang ở mức cao và các doanh nghiệp mà tham gia vào thị trường chứng khoán cũng đang phải tìm những giải pháp hiệu quả hơn để vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh này.
Nguyên nhân thứ 3, việc đầu tư phát triển các dự án về nhà ở, bất động sản, dự án đô thị cũng còn nhiều khó khăn đặc biệt là các thủ tục về pháp lý, về đất đai, về đầu tư, về xây dựng còn khó khăn dẫn đến nguồn cung về bất động sản cũng có những cái hạn chế.
Nguyên nhân tiếp theo là việc đầu tư, phát triển các nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, cho các đối tượng người nghèo ở đô thị cũng như công nhân ở các khu công nghiệp chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, dẫn đến là nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhu cầu của người dân hiện nay.
Nguyên nhân thứ 5, một số địa phương, đã có chủ trương tăng giá đất theo lộ trình, hiện nay mức tăng là từ 15-20%, mặc dù việc tăng giá đất này chưa ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch bất động sản hiện nay, bởi như chúng ta đã biết các giao dịch bất động sản hiện nay đã được giao đất và đầu tư từ giai đoạn trước đây. Nhưng chủ trương tăng giá đất đã ảnh hưởng đến tâm lý, và ảnh hưởng đến việc tăng giá bất động sản trong thời gian vừa qua.
Theo Minh Khôi (Dân Việt)
https://danviet.vn/thu-truong-bo-xay-dung-nhieu-nguoi-bo-ca-cong-viec-san-xuat-de-di-kinh-doanh-dat-20210415132608661.htm

Có thể bạn quan tâm