Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT và Cục Hàng không đã kịp thời tháo gỡ sự cố hủy chuyến hàng loạt của VietJet. Hãng này sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm.
Trong hai ngày 14-15/6, hành khách trên các chuyến bay của Hãng hàng không VietJet liên tục phàn nàn về việc bị delay, thậm chí hủy chuyến.
Đây không phải sự cố nhỏ lẻ mà diễn ra trên hàng loạt chuyến bay của VietJet. Hãng này phải cáo lỗi khách hàng với lý do "trễ kế hoạch nhận tàu bay mới và nguyên nhân khai thác".
Mất uy tín ngành hàng không
Trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết đã chỉ đạo Cục Hàng không cử đoàn công tác làm việc với VietJet, xây dựng lại kế hoạch bay. "Có chậm, hủy chuyến cũng phải ở mức tối thiểu, đừng để mất uy tín, mang tiếng ngành", ông Thọ khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Ảnh: Hiếu Công. |
Ngày 15/6, các đại lý của VietJet cảnh báo trong vài ngày tới các chuyến bay của hãng này tiếp tục bị chậm và hủy nhiều. Thông tin này khiến nhiều hành khách đã đặt vé lo lắng.
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết có nhận được thông tin trên nên đã yêu cầu Cục Hàng không và VietJet bằng mọi giá phải khắc phục sự cố. "Đã bán vé cho dân rồi thì phải hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến. Nếu cần thiết cũng phải chia sẻ bớt hành khách sang các hãng khác", ông Thọ nói.
Bằng cách điều tiết lại giờ bay, giảm và giãn khoảng cách các chuyến bay quốc tế để đưa máy bay về điều tiết các chuyến trong nước, VietJet đã tháo gỡ được sự cố, đảm bảo lịch bay trở lại bình thường từ 16/6.
Theo ông Thọ, nhà sản xuất chậm bàn giao tàu bay, khiến hãng không đủ phương tiện để khai thác theo lịch chỉ là một trong các nguyên nhân.
"Ví dụ một chuyến bay được lên kế hoạch bay quốc tế, sau đó trở về bay trong nước, nhưng không may bị trễ từ chuyến quốc tế thì sẽ dẫn đến sự cố dây chuyền", đại diện Bộ GTVT giải thích.
Về phía VietJet, ông Thọ cho biết chắc chắn hãng sẽ chịu kiểm điểm, khiển trách vì để xảy ra sự cố này.
"Nó không chỉ là vấn đề trong nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không Việt Nam trước quốc tế", lãnh đạo Bộ GTVT nhận định.
Về thông tin phi công của VietJet đình công gây ảnh hưởng đến hãng, Thứ trưởng GTVT khẳng định không có chuyện này.
'Đừng để hành khách phải gánh rủi ro của hãng'
Nhiều hành khách bức xúc đặt câu hỏi vì sao VietJet chưa chuẩn bị được máy bay nhưng vẫn bán trước vé cho khách. Đến khi hãng bay gặp vấn đề với đối tác, người gánh rủi ro, phiền hà là hành khách.
Hành khách xếp hàng tại quầy vé để yêu cầu hãng bồi thường sau khi hàng loạt chuyến bay bị chậm, hủy. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng hình thức kinh doanh theo kiểu "bán trước" khá phổ biến, không chỉ hàng không mà cả các lĩnh vực như sản xuất ôtô, bất động sản...
Theo ông Thành, đã "bán trước" thì không tránh khỏi rủi ro khi đối tác không kịp giao hàng. Nhưng khi rủi ro xuất hiện, vấn đề cần đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai, ngoài lời xin lỗi thì phải có trách nhiệm cụ thể, không được đẩy rủi ro cho khách hàng.
Theo PGS. TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM), VietJet có thể chấp nhận mất thêm chi phí để giảm thiểu hơn nữa những phiền hà cho khách hàng.
Với trường hợp hành khách cần bay gấp vào chuyến bay kế tiếp thì VietJet có thể thương lượng bù tiền cho những hành khách đồng ý nhường chỗ lại.
Các hãng máy bay cũng cần thương lượng thỏa thuận với nhau để chuyển hành khách cần bay gấp qua chuyến bay kế tiếp của hãng khác và trả tiền thêm cho hãng đó. Trong khi hành khách kẹt lại sân bay nhiều giờ, có khi qua đêm thì vẫn có những chuyến bay của hãng máy bay khác trống chỗ.
"Đơn vị quản lý sân bay cũng có thể trung gian giải quyết trường hợp này bằng cách đứng ra dàn xếp giữa hành khách với hãng máy bay hoãn, hủy chuyến và hãng máy bay có thể tiếp nhận thêm hành khách", ông Tống nêu quan điểm.
Ngọc Tân (zing)