Bạn đọc

Thủ tục đất đai làm mất cơ hội của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mong muốn có diện tích đất ở rộng rãi hơn, tôi quyết định mua thêm 2 m ngang đất liền kề bên cạnh của ông Rcơm Mik (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) để xây nhà. Sau khi được tư vấn, tôi chuyển đổi phần diện tích còn lại thành đất ở nông thôn để có thể hợp thửa với phần đất định mua (102,9 m2 đất ở nông thôn) sau khi tách từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của ông Mik.

Cũng từ đây phát sinh nhiều vướng mắc, thủ tục rườm rà, rắc rối khiến việc chuyển nhượng trở nên khó khăn. Đầu tiên là việc chuyển đổi đất ở của gia đình tôi. Mặc dù đã 2 lần chuyển đổi đất ở với diện tích là 150 m2 (lần 1 là 50 m2, lần 2 là 100 m2) nhưng thay vì điều chỉnh biến động diện tích đất ở và nộp thuế thì các thủ tục lại phải tiến hành như ban đầu, cũng đo đạc, trích lục bản đồ địa chính, nộp thuế.

Thủ tục sang nhượng lại càng rắc rối hơn. Từ thửa đất của gia đình, trước đó, ông Mik cắt bán cho tôi 5 m, nay thêm 2 m nữa. Tuy nhiên, cũng cùng con đường phía trước nhưng trên GCNQSDĐ của gia đình tôi thể hiện con đường bê tông rộng 5 m, còn của ông Mik thì lại rộng 7 m. Để việc chuyển nhượng thuận lợi, Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Ia Grai tiến hành các bước thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất và mất gần cả tháng để có được bản vẽ trích lục.

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Ia Grai. Ảnh: M.P

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện Ia Grai. Ảnh: M.P

Tưởng chừng khi có được trích lục thì sẽ thuận lợi hơn nhưng công chứng viên lại cho rằng muốn làm thủ tục chuyển nhượng buộc phải xin “Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” từ Công an xã. Bởi hiện nay, Nhà nước đã bỏ sổ hộ khẩu giấy, trong khi người dân tộc thiểu số phần lớn thường không có đăng ký kết hôn. Muốn chứng minh được 2 người này có quan hệ vợ chồng thì buộc phải xin được giấy có ghi thông tin vợ hoặc chồng. Tuy vậy, từ thông tin trên mã định danh lại tiếp tục phát hiện tên ông Mik và vợ đều không giống với tên ghi trên GCNQSDĐ, thậm chí tên của ông Mik ghi trên căn cước công dân cũng không trùng khớp với thông tin của mã định danh.

Để trùng khớp tên trên GCNQSDĐ với căn cước công dân thì ông Mik được hướng dẫn làm đơn xin xác nhận thông tin cá nhân của Công an xã Ia Dêr để điều chỉnh tên và số căn cước công dân (thay cho số chứng minh nhân dân) ghi trên GCNQSDĐ là đúng. Khi mọi thủ tục hoàn tất, từ việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nộp thuế thì Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho rằng không thể hợp thửa vì không cùng mục đích sử dụng đất. Nguyên nhân là do trong phần diện tích đất ở đã chuyển đổi thì còn lại phần đất “chỉ giới quy hoạch giao thông” không giống nhau. Trên GCNQSDĐ của tôi, phần đất này ghi “đất trồng cây hàng năm khác”, còn của ông Mik phần này là “đất trồng cây lâu năm”. Trên cùng một diện tích đất của ông Mik tách ra nhưng mục đích sử dụng đất lại ghi khác nhau, cùng một con đường mà chỗ này 5 m, chỗ kia 7 m và hàng loạt những sai sót nhỏ khác. Trong khi đó, người dân đâu có thể vẽ được con đường trên GCNQSDĐ rộng hẹp ra sao và cũng không thể tự mình chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Qua nhiều quy trình, mất nhiều thời gian nhưng các vướng mắc từ thực tiễn vẫn không thể giải quyết triệt để. Chính vì vậy, đi đôi với việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực, chú trọng năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Một khi các thủ tục ở sát sườn từ thực tế hoàn chỉnh thì sẽ tránh được những sai sót phát sinh, người dân đỡ phải đi lại nhiều lần, vừa tiết kiệm chi phí vừa không bị các thủ tục hành chính làm mất cơ hội vay vốn ngân hàng, sang nhượng đất.

Có thể bạn quan tâm