Kinh tế

Nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần đổi mới tư duy về nhận thức, hành động chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với chủ đề “Chuyển đổi số-Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022”, Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 là cơ hội để cộng đồng khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX), các nhà khoa học, doanh nghiệp liên kết với HTX có cơ hội gặp gỡ, tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy phát triển khu vực KTHT, HTX nói chung và lĩnh vực chuyển đổi số khu vực này nói riêng.

Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 được tổ chức vào sáng 23-9 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng chủ trì diễn đàn tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có các đồng chí: Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Khái-Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Chí Dũng-Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Quang cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo

Phải thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho biết, với vai trò là 1 trong 4 thành phần của nền kinh tế Việt Nam và là tổ chức kinh tế có tính cộng đồng cao nhất, thể hiện rõ nét nhất yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, KTHT, HTX luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Khu vực KTHT, HTX đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Để thích ứng với xu thế phát triển, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, chuyển đổi số trong lĩnh vực KTHT, HTX cần sớm được triển khai với tốc độ nhanh nhất có thể đạt được mục tiêu chung về chuyển đổi số. Kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới, cần có giải pháp phù hợp để phát triển nhanh và bền vững. Với phương châm biến thách thức thành hành động và cơ hội, diễn đàn sẽ truyền tải thông điệp quan trọng của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với KTHT, HTX trên tinh thần thay đổi nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới.

Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 28.237 HTX; trong đó 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp. Phân bổ theo các vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng có 7.085 HTX (25,09%), Đông Bắc có 5.048 HTX (17,88%), Bắc Trung Bộ có 4.178 HTX (14,8%), Đồng bằng sông Cửu Long có 3.296 HTX (11,67%), Tây Bắc có 2.934 (10,39%), Đông Nam Bộ có 2.209 (7,82%), Tây Nguyên có 1.881 HTX (6,66%), Duyên hải miền Trung có 1.606 HTX (5,69%).

Cả nước có 130.760 tổ hợp tác, 120 liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX thành lập mới từ sau Luật HTX năm 2012 đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Nhiều HTX chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, máy móc từng bước hiện đại, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý, điều hành, một số chuyển đổi số mạnh mẽ…

Nhiều HTX đã biết ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Vũ Thảo

Nhiều HTX đã biết ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam-cho biết: Theo kết quả khảo sát, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến như có website riêng để giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, quảng cáo sản phẩm, bán hàng theo hình thức trực tuyến livetream trên các nền tảng số như Facebook, Tik Tok... Nhiều HTX đã mạnh dạn, chủ động, tiếp cận, đầu tư, kết nối sản xuất, tiêu thụ với các HTX cùng loại hình hoặc khác loại hình theo chiều hướng tăng ứng dụng chuyển đổi số, thích ứng đặc biệt trong và sau dịch Covid-19. Các loại hình HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp đầu tư thiết bị áp dụng đa dạng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

“Việc ứng dụng, tích hợp công nghệ cao, công nghệ thông tin, các giải pháp và phần mềm quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi căn bản về cách thức vận hành, tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HTX và mang những giá trị, trải nghiệm mới cho khách hàng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số diễn ra còn chậm, chưa chủ động, nhiều HTX vẫn chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số cụ thể, việc lan tỏa tới thành viên. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ các HTX không có máy tính, hoặc có trang bị máy tính, thiếu các thiết bị phụ trợ, năng lực tài chính đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số của HTX còn hạn chế”-ông Bảo đánh giá. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, chúng ta đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nền nông nghiệp của chúng ta đang nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, nhưng bằng môi trường số, không gian mạng chúng ta có thể kết nối với nhau, những HTX trước khi tiến tới thành lập Liên hiệp HTX chúng ta cũng kết nối bằng không gian mạng, công nghệ số. Việc sử dụng sức mạnh công nghệ số sẽ chủ động kết nối, hợp tác, quảng bá, đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường.

Bên cạnh đó, chủ động kết nối du lịch cộng đồng ở địa phương của chúng ta để tạo ra hành trình mà có thể du khách có được sự trải nghiệm. “Để mục tiêu chuyển đổi số mang lại kết quả, các địa phương cần quan tâm hơn đến phát triển KTHT, tạo mối liên kết thì chính doanh nghiệp liên kết sẽ đầu tư số hóa cho HTX. Theo quan điểm của tôi, chúng ta có hơn 20 ngàn HTX, chỗ nào có năng lực quản trị, chỗ nào có sự sẵn sàng, có liên kết, hoạt động đúng tôn chỉ, bản chất thì làm trước. Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho 66 HTX dẫn đầu với điều kiện có nguồn nguyên liệu ổn định, liên kết với nông dân, doanh nghiệp.”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin. 

Mặc dù khu vực KTHT, HTX đạt được một số kết qủa nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX đề ra như: Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020. Các HTX hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới như: cạnh tranh gay gắt, thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, về bảo mật thông tin và dễ bị tổn thương từ những tác động bên ngoài.

Đổi mới tư duy về chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hiện nay việc chuyển đổi số trong khu vực KTHT, HTX chưa thật sự sâu rộng, khi nhận thức về chuyển đổi số còn hạn chế thì khó hành động quyết liệt được. Cùng với đó, công nghệ và hạ tầng số, nguồn lực tài chính ở khu vực này cũng là những hạn chế… “Chuyển đổi số là chìa khoá quan trọng nhưng thành công hay không là do hành động, tổ chức thực hiện của chúng ta. Vì vậy, cần đổi mới tư duy về nhận thức, hành động, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Vùng nguyên liệu dứa được Doveco Gia Lai liên kết với một số hợp tác xã trồng và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Đức Thuỵ
Vùng nguyên liệu dứa được Doveco Gia Lai liên kết với một số hợp tác xã trồng và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Đức Thụy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực KTHT, HTX phải bắt đầu từ những cái nhỏ, đi từ thấp đến cao, nhưng phải xuyên suốt, có tầm nhìn xa, phải bám sát thực tiễn để kịp thời đáp ứng yêu cầu. Phải thay đổi nhận thức tư duy trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới hoạt động khu vực KTHT, HTX.

Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát các văn bản pháp luật để hoàn thiện thể chế; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước về KTHT, HTX. Xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thủ tục hành chính, chi phí và thời gian cho HTX, doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động kiến tạo, hỗ trợ cho HTX phát triển. Bên cạnh đó, phải kết hợp các nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho phát triển KTHT, HTX, trong đó chú trọng cho việc chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải công khai, minh bạch, giảm thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phải có lộ trình thích hợp, xác định trọng tâm, thứ tự ưu tiên để đầu tư nguồn lực thích hợp…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tổ chức KTHT, HTX phải chủ động thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới; tự đánh giá, củng cố tổ chức, hoạt động; rà soát, ứng dụng các phần mềm có sẵn để phục vụ sản xuất, kinh doanh như quản trị, điều hành, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Các HTX phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh để tồn tại và phát triển. 

                                                                                                   VŨ THẢO

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần đổi mới tư duy về nhận thức, hành động chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác ảnh 4
 

Có thể bạn quan tâm