Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Như Nguyệt giai đoạn 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 16-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 qua sông Cầu; dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành cầu Như Nguyệt giai đoạn 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành cầu Như Nguyệt giai đoạn 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại lễ khánh thành cầu Như Nguyệt, các ý kiến cho rằng, dự án cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) là công trình không lớn (bề rộng mặt cầu 16 m, chiều dài cầu 439,15 m; tổng mức đầu tư 456 tỷ đồng) nhưng có ý nghĩa rất quan trọng bởi nằm trên tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn với chiều dài 160 km, tuyến giao thông huyết mạch, kết nối trục động lực tăng trưởng từ Thủ đô Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang-Lạng Sơn và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Nhiều năm qua, vị trí cầu Như Nguyệt là nút thắt, điểm nghẽn trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, vì tuyến cao tốc này có 6 làn xe nhưng cầu Như Nguyệt giai đoạn 1 chỉ có 2 làn xe.

Tuy nhiên, việc xây dựng cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc về vốn, quy định… Với mong muốn giải tỏa được khó khăn, nút thắt cản trở sự phát triển giao thông và kinh tế xã hội của địa phương, tỉnh Bắc Giang và Bộ Giao thông vận tải đã chủ động đề xuất để tỉnh Bắc Giang được thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) bằng nguồn vốn ngân sách địa phương để khắc phục khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những phát sinh, đòi hỏi của sự phát triển, của thực tế cuộc sống.

Tỉnh Bắc Giang, các nhà thầu đã tổ chức triển khai thực hiện dự án với quyết tâm cao nhất, tổ chức nhiều mũi thi công, không kể ngày đêm 24/24 giờ. Đến nay, công trình cầu Như Nguyệt đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng mở rộng lên 6 làn xe, bảo đảm đồng bộ về quy mô khai thác theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Các ý kiến cho rằng việc hoàn thành mở rộng công trình cầu Như Nguyệt có những ý nghĩa quan trọng; tháo gỡ nút thắt về giao thông của con đường cao tốc với chiều dài 160 km kết nối trục động lực tăng trưởng từ Thủ đô Hà Nội-Bắc Ninh-Bắc Giang-Lạng Sơn và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; góp phần tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực phía đông bắc của Tổ quốc nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng vì đây là cửa ngõ của tỉnh Bắc Giang, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước xác định. Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự quyết tâm, nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường của tỉnh Bắc Giang trong việc phối hợp với tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan để đề xuất và triển khai dự án, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu: "Hy vọng sau khi cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 khánh thành, nút thắt kéo dài 7-8 năm qua sẽ được khơi thông, người dân di chuyển thuận lợi hơn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và cả vùng, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đồng bằng sông Hồng".

Thủ tướng cũng cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng cho dự án, đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của các cán bộ, công chức, người lao động tham gia xây dựng công trình cầu Như Nguyệt giai đoạn 2, đặc biệt là Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn để hoàn thành công trình vượt tiến độ.

Công việc thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu hoàn thiện các nội dung công việc tiếp theo theo quy định.

Yêu cầu rút ra các bài học, kinh nghiệm từ dự án cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 để tiếp tục triển khai các công trình khác, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần trước khó khăn, thách thức, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết để cùng nhau giải quyết, kiên quyết phòng, chống tiêu cực tham nhũng, từ đó "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết để đẩy mạnh kết nối về kinh tế-xã hội; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ "bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời" của mình để cùng cả nước thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khởi công dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khởi công dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong chiều 16-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Thủ tướng biểu dương tỉnh Bắc Giang đã chủ động, năng động, sáng tạo, có nhiều nỗ lực trong triển khai các dự án nhà ở xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết, Đề án về phát triển nhà ở xã hội từ rất sớm, chú ý công tác quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các dự án. Ông cũng cảm ơn các doanh nghiệp đã cùng Nhà nước, chính quyền các cấp tích cực triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong nhiều năm qua, việc giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực từ ngân sách nhà nước có hạn, đồng thời phải dành nguồn lực cho các ưu tiên khác. Do đó, phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực cho xây dựng nhà ở xã hội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trên tinh thần đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách; các địa phương vào cuộc chủ động, tích cực; các nhà đầu tư phát huy tinh thần tương thân, tương ái; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, nơi tập trung nhiều công nhân, người có thu nhập thấp cùng góp ý để xây dựng, hoàn thiện các quy định. Cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, các chính sách phải đồng bộ thì mới giải quyết được khó khăn về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp; cần hỗ trợ cả người xây dựng và người sử dụng nhà ở xã hội, gồm các hình thức mua, thuê và thuê mua nhà.

"An cư mới lạc nghiệp. Xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, chúng ta phải chung sức, đồng lòng tìm ra lời giải có hiệu quả nhất để triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội khang trang, đẹp đẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường, giá cả phải chăng, phù hợp với người có thu nhập thấp", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đề nghị Bắc Giang và các địa phương tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất, triển khai các dự án nhà ở xã hội với các thiết chế đồng bộ về văn hóa, thể thao, xã hội, môi trường… để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động; sử dụng hiệu quả gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi, tuyên truyền, vận động để công nhân, người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay để mua nhà ở xã hội.

Có thể bạn quan tâm