Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trung ương, địa phương không tổ chức cuộc họp không cần thiết, trừ các cuộc họp quan trọng, để tập trung lực lượng, hướng dẫn, đôn đốc các phương tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9. |
Sáng 26-10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 9. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Dự kiến sơ tán 1,2 triệu dân
Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Bình Định cho biết tỉnh đã thông báo cho 6.000 tàu cá về cảng neo đậu, hiện còn khoảng 80 tàu ở trong vùng nguy hiểm, đang trên đường vào bờ, dự kiến chiều nay sẽ vào các khu neo đậu an toàn. Riêng tàu Hải Nam mắc cạn và có nguy cơ chìm, tỉnh có chỉ đạo ra đưa 10 thuyền viên vào bờ, và tìm phương án kéo tàu vào cảng an toàn trước khi bão đổ bộ.
Đối với việc di dời dân ở vùng trũng thấp, và đặc biệt là sườn núi có nguy cơ sạt lở, tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu phải di dân trước khi bão đổ bộ. Về hồ chứa, toàn tỉnh có 165 hồ chứa nước, hiện các hồ đang tích nước 30-60%.
"Thời gian qua, tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt sửa chữa các hồ chứa, vì nhiều hồ chứa xây dựng lâu, xuống cấp. Với 30 hồ xuống cấp, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, nếu có sự cố thì không tích nước" - đại diện tỉnh Bình Định nói.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết theo kịch bản các địa phương cùng Ban chỉ đạo xây dựng, nếu bão đổ bộ với cường độ mạnh cấp 12 thì phải phải sơ tán 1.279.000 người dân,
Về hoạt động tàu thuyền, ở khu vực chịu ảnh hưởng có 65.000 tàu thuyền, hiện mới thông báo được 45.000 tàu, còn 20.000 tàu thì cần phải khẩn trương kêu gọi. Các địa phương cũng cần lưu ý khu neo đậu, bởi khi vực này chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng - đã chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó với 368.000 người, 3.500 phương tiện. Các đơn vị đang duy trì nghiêm công tác trực, sẵn sàng ứng phó sự cố trước và sau bão.
Vị trí và hướng di chuyển bão số 9. |
Dừng hết các cuộc họp không cần thiết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đang trong tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ, đặc biệt là khu vực miền Trung.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng, không được mất cảnh giác, chủ động phòng chống để giảm thiệt hại cho người dân, địa phương. "Nếu bão không vào thì rút kinh nghiệm chống siêu bão cấp 12, giật trên cấp 12. Gió bão trên cấp 12 sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, nhất là tìm kiếm người mất tích. "Thủ tướng đã có chủ trương hỗ trợ, các địa phương bám vào thực hiện, không để người dân màn trời chiếu đất, đói rét" - Thủ tướng nói.
Cơn bão số 9 được dự báo gió mạnh kéo dài, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân, cứu người là quan trọng nhất, kêu gọi tàu bè vào bờ sớm, kiên quyết đưa ngư dân lên bờ trước khi bão đổ bộ.
"Kinh nghiệm nhiều năm là đưa người dân vào bờ là an toàn. Nếu vì con tôm hùm, lồng cá mà chủ giữ dân ở lại, trách nhiệm đó thuộc về hình sự, phải xử lý nghiêm. Đặc biệt lưu ý các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên nuôi lồng bè rất lớn", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng lưu ý về mưa lớn, ngập lụt và đặc biệt là sạt lở đất ở miền núi có thể xảy ra. "Như núi ở Quảng Trị sạt lở xa đến 1,6km, làm 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Lũ đá to bằng căn nhà mà vẫn bị cuốn, lấp toàn bộ người dân. Do đó, cần phải chủ động di dời ở các vùng có nguy cơ" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn đặc biệt là các hồ đập, cần có kỹ sư để tính điều tiết phù hợp. "Không để xảy ra như hồ Kẻ Gỗ vừa qua, suýt nữa phải phá tràn, rất nguy hiểm. Ở miền Trung có rất nhiều rất hồ đập, là thùng nước treo trên đầu người dân. Nếu xảy ra sự cố, gây thiệt hại rất lớn" - Thủ tướng nói.
Sau bão có thể có mưa lớn và ngập lụt, do đó cần phải có công tác cứu hộ cứu nạn, Thủ tướng giao các lực lượng quân đội, công an có bộ phận thường trực phải tập trung hỗ trợ dân trước sau bão lũ. "Phải có biện pháp mạnh như xe tăng, trực thăng để cứu dân bị mắc kẹt, ở khu vực nguy hiểm", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần theo phương châm ‘4 tại chỗ’, không chủ quan, coi thường và tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ ảnh hưởng để chủ động sơ tán.
Theo CHÍ TUỆ (TTO)