Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp nêu rõ cơ quan nào gây phiền hà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích các doanh nghiệp chỉ rõ "địa chỉ”, bộ, ngành, văn bản nào đã gây phiền hà, cản trở doanh nghiệp.
Chỉ rõ địa chỉ gây phiền hà cho doanh nghiệp
Sáng 23.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều thành viên Chính phủ dự Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Đây là lần thứ ba từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng chủ trì hội nghị.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Điểm lại thành tựu kinh tế xã hội năm qua, Thủ tướng cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam trên 7%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp và tỉ giá ổn định.
Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỉ USD, một kỷ lục chưa từng có. Dự trữ ngoại hối cũng đạt mức chưa từng có. Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính nhà nước được củng cố…
Đặc biệt, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng liên tục từ đầu nhiệm kỳ, trung bình hơn 126.000 doanh nghiệp mỗi năm. Năm 2019 dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp lập mới, tổng vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỉ đồng. Hiện cả nước có khoảng 760.000 doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp yếu kém chắc chắn có "trách nhiệm của Nhà nước". Vì vậy Thủ tướng muốn nghe nhiều hơn nữa ý kiến về cải cách thủ tục hành chính, thanh, kiểm tra... Đặc biệt, doanh nghiệp cần chỉ rõ "địa chỉ" cơ quan nào gây phiền hà, văn bản của bộ, ngành nào gây cản trở cho doanh nghiệp.
"Chúng ta sẽ tiếp tục hành động, hành động gấp để tháo gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, nhưng phát triển bền vững" - Thủ tướng nhấn mạnh. 
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn, thách thức, cũng như kiến nghị với Thủ tướng, để có những quyết sách giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM quan tâm đặc biệt đến vấn đề nhân lực cho ngành gỗ nói riêng và cho các ngành khác nói chung. Theo ông Khanh, ngành chế biến gỗ đang có khoảng 500.000 nhân lực đóng góp cho sự phát triển của hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể, còn hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề, đa số là lao động phổ thông.
Ngoài việc không được đào tạo chuyên môn, thể lực lao động Việt Nam vẫn yếu, sức bền trong công việc không tốt. Chưa kể, tính kỷ luật của đội ngũ này cũng không cao. Với ngành gỗ, nhu cầu nhân lực không chỉ là lao động phổ thông mà cần ở tất cả các ngành, từ thiết kế - sáng tạo đến kinh doanh, marketing, tài chính, công nghệ.... Đáng tiếc, việc tổ chức nhân lực cho ngành chưa có quy hoạch từ các bộ ngành.
Ông Khanh cho rằng nếu có sự đồng hành và chung tay của nhà nước với doanh nghiệp cùng định hướng hợp tác đào tạo xây dựng nguồn nhân lực, chắc chắn ngành công nghiệp đồ gỗ Việt Nam sẽ có những bước đi dài ổn định và vững chắc trong nhiều năm tới.
Sau khi nêu một số khó khăn, thách thức và cam kết tăng trưởng của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - kiến nghị: Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Ví dụ như hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho lợi nhuận sau đó được sử dụng đầu tư mới theo hướng sản xuất xanh, giảm thuế trong 5-10 năm. Có chính sách không thu thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu; tiếp tục đơn giản hoá, giảm chi phí vận tải nội địa, chi phí kho bãi, kiểm hoá…
Còn theo kiến nghị của ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành cơ chế giá điện khuyến khích điện mặt trời sau 30.6 để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục khai thác tối ưu nguồn năng lượng từ mặt trời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng gia tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bích Hà-Kim Khánh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm