Kinh tế

Giá cả thị trường

Thủ tướng: Nguy cơ thiếu điện trung, dài hạn đang hiện hữu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 3-1, phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EVN cần tiếp tục là tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp điện quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Tại hội nghị, thông báo đến cán bộ, kỹ sư, người lao động của EVN về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2016 thiên tai và nhân tai đã gây hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt, nhất là tốc độ tăng trưởng của đất nước. Nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, các địa phương, Chính phủ đã đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội.

Lần đầu tiên, cả nước có trên 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó có 27.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động nay quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ như một xu hướng mới của nông nghiệp Việt Nam. Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường tăng cao và tạo thành không khí mới trong đời sống xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong số những thành tựu đó có sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của ngành công thương, ngành điện và đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Thủ tướng đánh giá, năm 2016, EVN đã bám sát chủ đề: Nâng cao năng lực quản trị, vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, nhất là về biến động tỷ giá. Việc Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động vượt thời hạn 1 năm, tiết kiệm 5.000 tỷ đồng là một sự kiện của đất nước trong năm 2016 rất đáng được hoan nghênh. Ngành điện cũng thực hiện tốt việc khắc phục, đảm bảo cung cấp điện cho các địa phương vùng bão lũ…Toàn ngành đã tối ưu hóa, giảm tổn thất điện năng tương đương các nước trong khu vực, nâng cao năng suất lao động.

“Tiếng kêu” của người dân và doanh nghiệp đối với ngành điện vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể, Thủ tướng nhận định.

Đề nghị EVN nhìn thẳng vào những mặt hạn chế để có biện pháp khắc phục, Thủ tướng chỉ rõ, năng lực cạnh tranh của ngành hiện vẫn ở mức thấp, vẫn đứng thứ 96. Chỉ số tiếp cận điện năng trong ASEAN đứng ở vị trí số 6, gần cuối bảng xếp hạng.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến một điểm yếu của ngành điện là mặc dù có dự phòng nhưng nguồn điện không đồng đều, quá thấp, nhất là khu vực miền Nam. Ngoài ra, một số công trình xây dựng cơ bản chất lượng còn thấp, vẫn để xảy ra thất thoát, một số dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.

Thủ tướng lo lắng: Nguy cơ thiếu điện trung, dài hạn đang hiện hữu, EVN cần có giải pháp tháo gỡ để đáp ứng các yêu cầu phát triển của nền kinh tế như: Tăng trưởng ở mức 6,5-7% , đạt trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, xuất khẩu tăng 8 – 10%, một số ngành công nghiệp quan trọng phải tự cân đối, một số sản phẩm cơ bản của nền kinh tế cần tự chủ…

Thủ tướng đề nghị, EVN cần tiếp tục là tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp điện quốc gia. Theo đó, EVN phải đảm bảo tốt tiến độ các dự án, triển khai các dự án mới, phát triển một số dự án năng lượng tái tạo phải đề xuất cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế sản xuất điện và phải hoàn thiện cơ chế tài chính, đầu tư nguồn và lưới điện để tập đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này.

Muốn vậy, Thủ tướng yêu cầu EVN tiếp tục cơ cấu lại Tập đoàn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, hoành thành cổ phần hóa tổng công ty phát điện 3 trong năm 2017 và 2 tổng công ty phát điện còn lại trong năm 2018; đổi mới sắp xếp khối phát điện, phân phối, bán lẻ điện, vận hành thị trường điện đảm bảo đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả và phù hợp với thị trường điện bán lẻ.


EVN chỉ giữ lại 6 nhà máy chiến lược, đa mục tiêu và các nhà máy liên quan đến nhà máy đa mục tiêu khác, lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ. Đi liền với đó là tăng cường công tác quản trị, sắp xếp bộ máy quản lý và ngành hợp lý để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Đồng tình với chủ đề của EVN năm 2017 là đẩy mạnh khoa học công nghệ, Thủ tướng cho rằng chủ đề này phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra.

Thủ tướng cũng đề nghị EVN tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản ý và điều hành nhất là tài chính; công khai minh bạch, chống tham ô, tham nhũng trong mọi khâu nhất là cổ phần hóa và đầu tư xây dựng các công trình, dự án điện.

EVN cần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất người dân. “Ngành điện phải đóng góp trực tiếp vào mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm đầu chỉ số năng lực cạnh tranh của ASEAN, Thủ tướng mong muốn.

Thủ tướng cũng lưu ý EVN trong phát triển phải rút kinh nghiệm từ dự án trước đây, không sản xuất điện bằng mọi giá, chú trọng bảo vệ môi trường.

Đối với dự án Điện Hạt nhân ở Ninh Thuận, Thủ tướng chỉ đạo EVN sắp xếp nhân sự phù hợp, sử dụng cơ sở vật chất có hiệu quả, không để hoang hóa, lãng phí và phải chủ động tính toán bù đắp sản lượng điện do việc dừng dự án điện này, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”

Triển khai nhiệm vụ năm 2016 – năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2016-2020, EVN đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, vượt kế hoạch Nhà nước giao.

Điện sản xuất và mua đạt 176,99 tỷ kWh, tăng 10,8% so với năm 2015. Điện thương phẩm đạt 159,45 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015 và vượt 350 triệu kWh so với kế hoạch, trong đó, điện thương phẩm nội địa ước đạt 158,3 tỷ kWh, tăng 11,2%.

Tập đoàn đã chủ động phối hợp với ngành thủy lợi, cấp hơn 3 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015 – 2016 ở đồng bằng Bắc Bộ; trong các tháng mùa khô năm 2016 đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước hạ du của các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đến cuối năm 2016, đã có 73 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đạt 17.929MW, chiếm 46% tổng công suất toàn hệ thống.

Doanh thu bán điện của EVN năm 2016 ước đạt 264.680 ngàn tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015. Giảm tổn thất điện năng thực hiện đạt chỉ tiêu 7,7%, giảm 0,24% so với năm 2015. Riêng tổn thất truyền tải là 2,39% do phải truyền tải cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Tổng thời gian mất điện trong năm của khách hàng EVN bình quân là 1.579 phút, giảm 25% so với 2015. Theo công bố của Tập đoàn, điểm bình quân mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện của EVN năm 2016 là 7,69/10 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2015. Tỷ lệ thu tiền điện đạt 99,97%, góp phần quan trọng đảm bảo dòng tiền cho hoạt động của EVN.

Được Thủ tướng mời phát biểu góp ý với ngành điện, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng bày tỏ vui mừng bởi năm 2016 là năm thứ 3 EVN hoàn thành lời hứa đảm bảo đủ điện cho nhân dân. Ông Thái Phụng Nê cho rằng, EVN đã đi một bước dài trong tăng cường chất lượng vận hành hệ thống điện trong lịch sử hơn 122 năm của ngành điện Việt Nam.

EVN cần vận hành lưới điện an toàn, liên tục, không để xảy ra hiện tượng mất điện cục bộ trong khu vực, giảm chỉ tiêu về mất điện trên đầu người, giảm sự cố điện cần khắc phục trong năm 2017 như các nước trong khu vực vì đã đủ điện thì phải phấn đấu điện chất lượng. Cùng với đó là tăng cường năng suất lao động tương đương với các nước trong khu vực. Năm 2017, EVN cần phấn đấu đạt trên 8 điểm hài lòng của khách hàng, Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê mong muốn.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm