Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cầu Đại Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự kiện khởi công cầu Đại Ngãi là sự kiện quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL. Cầu Đại Ngãi giúp rút ngắn khoảng 80km từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh đi TPHCM so với tuyến Quốc lộ 1.


Ngày 15-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát lệnh khởi công cầu Đại Ngãi, nối liền 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Tham dự lễ khởi công còn có lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT; lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, một số địa phương tại ĐBSCL và hàng ngàn người dân trong vùng.

Toàn cảnh Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi. Nguồn: BQLDA

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng chiến lược về kinh tế, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và là khu vực trù phú, giàu tiềm năng, phong phú về văn hóa... Tuy nhiên, điểm yếu nhất của vùng là hệ thống giao thông, bao gồm cả kết nối nội vùng và liên kết với các vùng trọng điểm khác. Do đó, chúng ta cần phải tập trung giải quyết có trọng tâm trọng điểm để vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

Sự kiện khởi công cầu Đại Ngãi là sự kiện quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL. Cầu Đại Ngãi được xây dựng trên Quốc lộ 60 - tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh duyên hải phía Nam vùng ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam bộ. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo sinh kế cho người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công cầu Đại Ngãi

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công cầu Đại Ngãi

Với ý nghĩa trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT, chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi, các đơn vị thi công phải rút ngắn thời gian thực hiện dự án; phải đặt quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực để triển khai dự án đến tháng 12-2025 hoàn thành. Song song với việc rút ngắn thời gian thi công, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn phải đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, chống tiêu cực lãng phí...

Các kỹ sư, công nhân thi công cầu Đại Ngãi thực hiện nghi thức khởi công dự án

Các kỹ sư, công nhân thi công cầu Đại Ngãi thực hiện nghi thức khởi công dự án

Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Quốc lộ 60 theo quy hoạch có chiều dài 147km, là tuyến đường chính yếu đi qua 4 tỉnh (gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng). Cầu Đại Ngãi là cầu lớn cuối cùng trên Quốc lộ 60 (sau cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và Cổ Chiên đã hoàn thành), là công trình chiến lược, trục giao thông quan trọng kết nối các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp thông suốt toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng, tạo sự kết nối thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam trong vùng với TPHCM. Cầu Đại Ngãi giúp rút ngắn khoảng 80km từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh đi TPHCM so với tuyến Quốc lộ 1. Cùng với các tuyến trục ngang, trục dọc trong vùng sẽ là tiền đề quan trọng để thu hút các nhà đầu tư vào Khu Kinh tế Định An, Khu Công nghiệp Cầu Quan của tỉnh Trà Vinh và Khu Công nghiệp Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng… Từ đó, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi

Phối cảnh cầu Đại Ngãi

Đến dự lễ khởi công cầu Đại Ngãi từ rất sớm, ông Lê Minh Nhạn (72 tuổi, ngụ xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi cho biết: "Cây cầu là niềm mơ ước từ lâu của bà con vùng sông nước Cù Lao Dung. Nay mơ ước đã thành hiện thực, ai nấy cũng vui mừng. Không bao lâu nữa, chúng tôi sẽ thoát cảnh qua sông phải lụy phà. Cuộc sống, kinh tế của người dân trong vùng rồi sẽ thay đổi".

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22-7-2022. Cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, với tổng chiều dài toàn tuyến là 15,14km, nối liền 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi hơn 8.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Mặt cắt ngang và trụ tháp cầu Đại Ngãi

Mặt cắt ngang và trụ tháp cầu Đại Ngãi

Dự án cầu Đại Ngãi có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 thuộc địa bàn xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối nối Quốc lộ Nam Sông Hậu (Quốc lộ 91B) thuộc xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Cầu được thiết kế mặt cắt ngang 12m, 2 làn xe (giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe, chiều rộng cầu 17,5m), vận tốc 80km/giờ.

7 nút giao toàn tuyến Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi

7 nút giao toàn tuyến Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi

Toàn tuyến dự án có 7 nút giao, 5 cầu giản đơn và 2 cầu lớn vượt sông Hậu (cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2). Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 vượt cửa Định An (sông Hậu) dài 2.560m, nhịp chính được thiết kế dạng dây văng (dài 450m), trụ tháp cầu tính từ mặt cầu cao 110m; cầu Đại Ngãi 2 vượt cửa Trần Đề, dài 862m, nhịp chính dạng kết cấu cầu đúc hẫng (chiều dài 330m).

Dự án cầu Đại Ngãi sử dụng tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 50ha, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 446,065 tỷ đồng. Đến nay, 2 địa phương là Trà Vinh và Sóc Trăng đã cơ bản bàn giao gần 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Tháp trụ cầu Đại Ngãi 1 được lấy cảm hứng từ những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer

Tháp trụ cầu Đại Ngãi 1 được lấy cảm hứng từ những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer

Do dự án cầu Đại Ngãi nằm trên 2 địa phương (Sóc Trăng và Trà Vinh) gắn liền với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer, nên tạo hình của tháp cầu được nghiên cứu, lấy cảm hứng từ đường nét mềm mại của những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer.

Có thể bạn quan tâm