Thủ tướng chỉ đạo cần thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa Quy hoạch báo chí đã được phê duyệt; cơ quan chủ quản phải quản lý tốt cơ quan báo chí của mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Ngày 28/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020 là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đây cũng là thời gian các thế lực thù địch thường có các hoạt động chống phá, lật đổ chế độ, xuyên tạc, nói xấu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, các cơ quan báo chí cần thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội và đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chỉ số tăng trưởng cao
Năm 2019, các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018). Trong lĩnh vực Viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt ~ 5,57 tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran).
Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019.
Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Tổng doanh thu toàn ngành dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018.
Bộ đã phát hành 15 bộ tem bưu chính, trong đó các bộ tem “Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên tại Hà Nội" và “Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019."
Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone); chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Sau hơn một năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, đã có hơn 1 triệu thuê bao đã chuyển mạng thành công (đạt tỷ lệ hơn 82%).
Là cơ quan thường trực Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cách làm mới để thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử. Lĩnh vực Công nghiệp ICT: doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước trên 53.000 tỷ đồng. Các mặt hàng công nghiệp ICT đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD.
Trong công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc, tài khoản giả mạo trên nền tảng Facebook và Youtube; triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.
Để xử lý vấn đề tin giả, Bộ đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo; xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo trên mạng; chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tiến bộ, toàn diện
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng đánh giá “lĩnh vực truyền thông và thông tin của Việt Nam đã có bước tiến bộ, toàn diện đáng mừng,"đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng chung của đất nước.
Điểm lại những nét nổi bật của ngành, Thủ tướng cho rằng lĩnh vực viễn thông tăng trưởng 19%, đóng góp vào ngân sách rất lớn; không chỉ có Viettel, VNPT hay MobiFone mà có đến 50.000 doanh nghiệp công nghệ trên cả nước, giải quyết việc làm cho trên 1.000.000 lao động.
Thủ tướng cũng ghi nhận thành tựu của ngành qua việc triển khai thử nghiệm 5G, xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G ở Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một thành công rất quan trọng trong năm vừa qua là việc triển khai Quy hoạch báo chí - một khó khăn kéo dài từ nhiều nhiệm kỳ trước; qua đó đưa hoạt động báo chí đi vào nề nếp hơn.
Bộ cũng đã quản lý tốt hơn mạng xã hội nước ngoài; ngăn chặn, lọc thông tin xấu độc, gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đấu tranh thẳng thắn với những tập đoàn công nghệ kinh doanh xuyên biên giới trong lĩnh vực này.
Thủ tướng đánh giá cao và tin tưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện nhiệm vụ Cơ quan thường trực về chương trình Chính phủ điện tử với những kết quả ấn tượng.
"Mặt trận không bao giờ im tiếng súng"
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng lớn lao của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành thông tin và truyền thông đã đóng góp vào thành công của cả nước; đồng thời biểu dương “sự quyết tâm ý chí cao, có trình độ bao quát cũng như giải quyết vấn đề cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng." Đất nước ổn định để phát triển nhưng muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là phí sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số đó, Thủ tướng nói và nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông được ví như "mặt trận không bao giờ im tiếng súng."
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, cán bộ, nhân viên ngành thông tin và truyền thông tiếp tục triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về thông tin và truyền thông. Thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đến năm 2020, Chính phủ điện tử phải có chuyển biến căn bản; kết nối chia sẻ dữ liệu tới 100% các bộ, ngành tỉnh, thành phố và phải có trung tâm giám sát an ninh mạng. Dịch vụ công phải đạt cấp độ 4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phải sớm hoàn tất bộ cơ sở dữ liệu dân cư, coi đây là nền tảng cho Chính phủ điện tử.
Năm 2020, Bộ phải tổ chức thật tốt Triển lãm số thế giới tại Việt Nam bởi đây là sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới, qua đó, nâng cao hình ảnh và uy tín quốc gia. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cuộc họp liên quan đến năm 2020 - năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN.
Phát triển 5G "có ý nghĩa chiến lược quốc gia"
Đi vào các nhấn mạnh cụ thể, Thủ tướng bày tỏ tán thành đề xuất của Bộ trong việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông sang công nghệ mới, sao cho 100% người dân Việt Nam có điện thoại thông minh; bổ sung tần số 4G để nâng cao chất lượng mạng lưới.
Về nhiệm vụ xử lý căn bản các loại rác viễn thông như sim rác, tin nhắn rác, Thủ tướng chỉ đạo: “Đây là trách nhiệm các tập đoàn, tổng công ty viễn thông. Không thể phát triển mà bỏ qua các yếu tố bền vững lành mạnh."
Cho rằng lĩnh vực an toàn thông tin mạng vẫn là bài toán đang đặt ra, Thủ tướng nêu rõ đây là “điều kiện tiên quyết của Chính phủ điện tử, của chuyển đổi số” và yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục phối hợp đào tạo nguồn lực cho nhiệm vụ này sao cho đủ năng lực giám sát phân tích dự báo tình hình trên không gian mạng; kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý vấn đề phát triển 5G “có ý nghĩa chiến lược quốc gia” và yêu cầu Bộ thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất thiết bị 5G. Cùng với đó là cần có chính sách thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của toàn cầu vào Việt Nam.
"Phải có một chương trình trong hệ thống báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực bảo vệ Đại hội Đảng các cấp thành công," Thủ tướng nói và chỉ đạo cần thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa Quy hoạch báo chí đã được phê duyệt. Cơ quan chủ quản phải quản lý tốt cơ quan báo chí của mình, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về vấn đề này.
Trong lĩnh vực báo chí, nhiều tờ nhiều nhà xuất bản nhưng cần xác định đơn vị chủ lực thì mới có giải pháp tập trung nguồn lực về cơ chế, chính sách, về tài chính, về tổ chức để xây dựng các đơn vị chủ lực có khả năng định hướng dư luận, có tầm vóc quốc tế, có uy tín trong xã hội. Khắc phục cho được tình trạng như báo hóa tạp chí, nhũng nhiễu nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp làm mất thị phần, mất thương hiệu , không theo tôn chỉ mục đích, vi phạm đạo đức người làm báo, tin tiêu cực, làm mất đi năng lượng tích cực của xã hội.
"Và những vấn đề như vậy các đồng chí phải căn bản giải quyết trong năm 2020," Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Đối với hoạt động của các trang mạng xã hội nước ngoài, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cần quản lý theo hướng “đến Việt Nam làm ăn thì hoan nghênh nhưng là nước chủ quyền thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”. Bộ cần có giải pháp cụ thể, cương quyết hơn nữa trong vấn đề này; thực thi pháp luật nghiêm minh với các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia hạt nhân về chính phủ điện tử tại tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Chương trình nhắm đến các đối tượng là Trưởng phòng Công nghệ thông tin của các Sở Thông tin và truyền thông, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin của các Sở Thông tin và truyền thông, Trưởng phòng Ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chuyên trách như Cục công nghệ thông tin của Bộ Y tế hay các Trung tâm công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Chương trình có 3 mục tiêu chính: Trang bị cho các học viên kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin và bài học kinh nghiệm hay về triển khai chính phủ điện tử trên thế giới và Việt Nam. Mỗi học viên sẽ được tham gia chương trình đào tạo thống nhất, thường xuyên, liên tục trong nhiều năm để trở thành những chuyên gia về chính phủ điện tử ở từng bộ, ngành, địa phương đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra ở bộ, ngành, địa phương mình.
100 chuyên gia tham gia chương trình sẽ hình thành một mạng lưới chuyên gia Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương bởi tri thức trao đổi giữa các chuyên gia sẽ không tăng theo cấp số cộng mà tăng theo cấp số mũ
Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)