Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thừa Thiên-Huế: Một giám đốc Sở thích gì làm nấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Bùi Oanh

(GLO)- Không chỉ lợi dụng chức vụ giảm dần giá trị rừng trồng gây thất thoát tài sản Nhà nước gần 10 tỷ đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế Hồ Đăng Vang còn câu kết với tư nhân “ăn” gỗ rừng; trù dập, kỷ luật cấp dưới theo kiểu thích gì làm nấy...

Tùy tiện định giá đấu thầu

Sáng 12-11, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đơn vị vừa gửi kết luận thanh tra tại Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ban ngành liên quan xem xét xử lý. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm trong công tác thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự toán, khai thác rừng trồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản Nhà nước của một số cá nhân Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế, BQL Rừng phòng hộ A Lưới và dấu hiệu lừa đảo của ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Xí nghiệp Tấn Lộc.

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong 49 bộ hồ sơ thẩm định từ năm 2008-2010 tại 5 BQL Rừng phòng hộ Sông Bồ, A Lưới, Sông Hương, Bắc Hải Vân và Nam Đông do phòng Kế hoạch Tài chính Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế cung cấp cho thấy, việc áp dụng các định mức như phát luỗng thực bì, chặt hạ cắt khúc, bốc xếp, bỏ vỏ, làm đường, sửa đường vận xuất và vận chuyển, chi phí quản lý… không có văn bản của cấp có thẩm quyền quy định mà do ông Lê Ánh- Chuyên viên phòng Kế hoạch Tài chính tự đưa ra, ông Hồ Đăng Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch trình ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế ban hành Quyết định phê duyệt dự toán theo hướng giảm dần giá trị.

Trong đó, 15/49 hồ sơ dự toán khai thác rừng trồng đã có những hồ sơ thẩm định đến lần thứ 4 dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước so với giá trị ban đầu 7.709.016.000 đồng; 3/49 hồ sơ dự toán kinh phí vận chuyển đường thủy tăng so với đường bộ 322.465.240 đồng; 13/49 hồ sơ dự toán cán bộ thẩm định đưa ra chi phí bóc vỏ gỗ gia dụng với giá trị 85.488.000 đồng; 49/49 hồ sơ dự toán đều đưa 6% chi phí quản lý với số tiền 1.072.870.935 đồng.

Lần theo những người cung cấp chứng cứ vi phạm pháp luật của ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở

Ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế viết giấy tay can thiệp không minh bạch để xí nghiệp Tấn Lộc mượn tiền Nhà nước từ lãnh đạo BQL Rừng phòng hộ A Lưới. Ảnh: Bùi Oa

NN&PTNT Thừa Thiên-Huế để Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế vào cuộc, chúng tôi còn biết được việc làm khuất tất của ông Vang: Ngày 8-10-2008, ông Hoàng Ngọc Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế (nay là Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế) ký Quyết định số 791 phê duyệt Dự toán khai thác rừng trồng ngân sách địa phương tại BQL Rừng phòng hộ Hương Thủy diện tích 37,20 hecta. Số tiền đưa vào đấu giá là 2.206.177.000 đồng.

Thế nhưng, ngày 28-7-2009, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đăng Vang lại ra Quyết định số 551 thay thế Quyết định 791 điều chỉnh giá thấp hơn nhiều lần, chỉ còn lại 608.079.000 đồng. Với việc “thay” quyết định của ông Vang đã làm thất thoát ngân sách gần 1,6 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi là vì sao sau gần một năm ông Vang hạ thấp giá bán gỗ trong khi tình trạng rừng không thay đổi, kích thước cây ngày mỗi lớn, giá nguyên liệu ngày một tăng? Phải chăng ông Vang hạ giá xuống thấp để thông đồng với đơn vị trúng thầu để tham ô? Một cán bộ trong ngành kiểm lâm cho biết số gỗ rừng này được bán cho một người quen biết với ông Vang và sau khi khai thác đã bán cho một doanh nghiệp ở Hà Nội với giá cao gấp  nhiều lần.

“Bảo kê” cho doanh nghiệp
 

Ảnh: Bùi Oanh

Ông Trần Ngọc Cư, Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Từ năm 2008 đến nay, ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế trực tiếp chỉ đạo, can thiệp không minh bạch để cho Xí nghiệp Tấn Lộc khai thác một số lô rừng trồng tại BQL Rừng phòng hộ Sông Hương với diện tích gần 300 hecta. Đồng thời, can thiệp để BQL Rừng phòng hộ A Lưới cho Xí nghiệp Tấn Lộc mượn 200 triệu đồng từ tiền ngân sách Nhà nước với thời hạn 2 năm 6 tháng tạo dư luận xấu trong nội bộ và dư luận xã hội. Ông Hồ Đăng Vang và Kế toán trưởng Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế đã chi khen thưởng công tác thẩm định không có trong quy chế chi tiêu nội bộ, hóa đơn tài chính không ghi ngày tháng hoặc hóa đơn ghi năm 2009 nhưng thanh toán năm 2008 với số tiền 71.624.000 đồng…

Do có ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế đứng sau, Xí nghiệp Tấn Lộc chỉ cần làm biên bản sơ sài vẫn mua được đấu thầu khoảnh rừng hơn 75 ha của nhà nước. Ảnh: Bùi Oanh

Cụ thể, các hợp đồng khai thác, bán rừng ở các BQL Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, Nam Đông, Hương Thủy, A Lưới, Sông Bồ từ năm 2008-2010 đều được ông Vang ưu ái cho Xí nghiệp Tấn Lộc. Theo điều tra, Tấn Lộc là công ty có “số má” tại Huế với trụ sở hoành tráng ở số 504 Nguyễn Tất Thành, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 2008, BQL Rừng phòng hộ A Lưới và Xí nghiệp Tấn Lộc ký hợp đồng khai thác 63,6 hecta tại tiểu khu 315 (xã Hương Phong) và 120,1 hecta tại tiểu khu 299 (xã Phú Vinh). Tuy nhiên, Xí nghiệp Tấn Lộc không nộp 2,853 tỷ đồng còn thiếu và quá thời hạn khai thác một năm. BQL Rừng phòng hộ A Lưới đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng sau ba năm mới được Xí nghiệp Tấn Lộc trả lại tiền. Trong tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Hồ Đăng Vang không đề cập đến sai phạm của Xí nghiệp Tấn Lộc mà biện hộ là do ảnh hưởng của thời tiết và suy thoái kinh tế nên việc khai thác chậm.
 

Trong khi đó, tiến hành thanh tra tại BQL Rừng phòng hộ A Lưới, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện sai phạm của các cá nhân, đơn vị, trong đó có ông Hồng Đăng Vang. Ngày 5-12-2008, ông Vang viết thư tay gửi BQL Rừng phòng hộ Sông Hương cho Xí nghiệp Tấn Lộc vay 200 triệu đồng để khai thác 57,1 hecta rừng: “Thân gởi anh Sơn, anh Hợp. Anh cho anh Lộc mượn 200 triệu đồng để trồng rừng không thời hạn... Hai anh quan tâm cho, đồng thời trồng rừng 2008”. Còn Giám đốc Xí nghiệp Tấn Lộc là ông Nguyễn Văn Lộc cũng bằng bản viết tay mà mượn được của BQL Rừng phòng hộ A Lưới 200 triệu đồng để làm hợp đồng mua rừng, nhưng Xí Tấn Lộc lại ủy quyền cho Doanh nghiệp tư nhânTuấn Nhân ký hợp đồng.
 

Ảnh: Bùi Oanh

Chỉ riêng qua kiểm tra 12 hồ sơ khai thác rừng trồng tại BQL Rừng phòng hộ A Lưới, Thanh tra phát hiện Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế chỉ phê duyệt hồ sơ thiết kế mà không cấp giấy phép khai thác (trái quy định của Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác). Việc khai thác tận thu 119,56 hecta gỗ rừng trồng giao đất cho hai xã Hương Phong và Hồng Thượng, Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế chỉ làm công văn số 33 ngày 12-1-2009 mà không có quyết định phê duyệt về thiết kế, dự toán. Việc khai thác 25,5 hecta rừng tại xã Sơn Thủy cũng không có các quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán mà chỉ có biên bản giữa Sở và Chi cục lâm nghiệp...

Không chỉ ưu ái cho doanh nghiệp “ruột” là Xí nghiệp Tấn Lộc thâu tóm khai thác, mua bán rừng mà trong quản lý, điều hành, ông Vang để xảy ra quá nhiều sai phạm tại các BQL Rừng phòng hộ Nam Đông, Hương Thủy, A Lưới... Cũng với thủ đoạn “đấu chui, bán lén”, ông Vang đã ra quyết định điều chỉnh tỷ lệ gỗ gia dụng lần sau thấp hơn lần trước để giảm giá nhằm có lợi cho doanh nghiệp trúng thầu. Từ năm 2008 đến nay, hầu hết các hợp đồng khai thác rừng tại Thừa Thiên-Huế, ông Vang đều “lệnh” cho BQL Rừng phòng hộ các địa phương phải ký kết với Xí nghiệp Tấn Lộc. Cán bộ các BQL Rừng phòng hộ các địa phương phát hiện việc làm của ông Vang là trái quy định nhưng đành ngậm ngùi vì ông Vang là người ra quyết định cũng là người xử lý vụ việc.
 

Trụ sở Xí nghiệp Tấn Lộc. Ảnh: Bùi Oanh

Khi bị cấp dưới phát hiện sai phạm và can ngăn, ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế tìm cách răn đe, bịt miệng nhằm che giấu việc làm khuất tất của mình. Cho rằng nguyên Phó Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Nam Đông- Nguyễn Trọng Thung thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, Sở NN&PTNT đã họp hội đồng kỷ luật để xử lý. Trong cuộc họp, các cá nhân bị cho là vi phạm không được mời dự. Điều trái luật là trong một ngày (7-5-2012), ông Vang ra hai quyết định kỷ luật cảnh cáo và khiển trách đối với ông Nguyễn Trọng Thung; Ông Trần Quốc Thức, nguyên Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Hương Thủy bị ông Vang kỷ luật cách chức, nhưng lại họp đưa xuống mức cảnh cáo. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc BQL Rừng phòng hộ A Lưới vì thẳng tay đấu tranh và hợp tác với thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế (năm 2011) bị ông Vang trù dập, thuyên chuyển về làm Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Quảng Điền (như một hình thức kỷ luật giáng chức). Và còn nhiều trường hợp khác từ cấp trưởng phòng xuống làm phó phòng, nhân viên, chuyển đến các đơn vị khác...

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm