Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thừa Thiên - Huế: Xây dựng Chân Mây thành đô thị quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vừa công bố Quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu kinh tế Chân Mây thành đô thị quốc tế mang bản sắc riêng của kiến trúc, văn hóa Huế và vùng sinh thái tự nhiên ven biển. 
Hình hài đô thị quốc tế Chân Mây. Ảnh: Bùi Oanh

Đây còn là một đô thị sinh thái, an toàn và thân thiện với môi trường, có nhiều không gian xanh, cấu trúc đô thị đạt được khả năng thông thoáng tốt, tạo được môi trường sống, làm việc thuận lợi và có sức hấp dẫn, thu hút đầu tư. Theo đó, Khu đô thị Chân Mây diện tích 3.440 ha thuộc địa bàn 3 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến và Lộc Vĩnh của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Ông Lê Văn Tuệ- Giám đốc BQL dự án Quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây cho biết, việc công bố quy hoạch này giúp người dân thấy được hình ảnh tương lai của đô thị Chân Mây mà mình đang sống; tạo cơ sở pháp lý giúp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả trong quản lý đô thị, hạn chế tình trạng xây dựng nhà trái phép. Đồng thời, tạo ra tính hấp dẫn nhà đầu tư đến với khu kinh tế. 
Cảng Chân Mây, động lực phát triển đô thị quốc tế Chân Mây. Ảnh: Bùi Oanh

Với kinh phí xây dựng quy hoạch khoảng 900.000 USD, do đơn vị tư vấn có uy tín hàng đầu Nhật Bản, công ty Nikken Sekkei Civil Engineering thực hiện, Quy hoạch khu đô thị Chân Mây được các chuyên gia đánh giá có tầm nhìn chiến lược. Đến năm 2025 dự báo dân số khu đô thị 130.000 người. Toàn bộ khu đô thị Chân Mây được phân thành 2 khu vực lớn nằm về phía Bắc và Nam quốc lộ 1A. Trong đó, khu trung tâm của khu đô thị nằm về phía Bắc quốc lộ 1A có diện tích 2.095 ha gồm  khu hành chính, phức hợp các tòa nhà thương mại, văn phòng và khu nhà ở và tái định cư. Khu đô thị kết hợp với khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao nằm về phía Nam quốc lộ 1A, diện tích 1.344 ha. 

Điểm nổi bật của Quy hoạch này là cấu trúc không gian đô thị không theo hướng dàn trải mà được phát triển theo mô hình nhiều khu chức năng liên kết hữu cơ trên cơ sở hệ thống đường đô thị được phân thứ bậc rõ ràng cùng với mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả và mạng lưới đường đi bộ kết nối thuận tiện. Đan xen giữa các khu chức năng và dọc theo các dòng sông, các kênh đào mới, thiết lập nhiều khu vực không gian xanh thông thoáng để đưa thiên nhiên vào trong đô thị. 
Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm