Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 29 đến 31-3, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10 tại Hà Nội. 
Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 22 (GMS-22) tại Hà Nội. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Những năm qua, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng đã đạt những bước tiến quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực, góp phần khơi dậy, thúc đẩy phát triển tiềm năng kinh tế các vùng trong khu vực. 
Tăng cường hợp tác khu vực 
Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng. Với nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ khác, Chương trình đã hỗ trợ các dự án ưu tiên của tiểu vùng trong những lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thương mại, đầu tư khu vực tư nhân và nông nghiệp, trong đó, lĩnh vực giao thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Năm 2009, dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai có chiều dài 264km do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ với kinh phí lên tới 1,2 tỷ USD đã được khởi công xây dựng. Đây được coi là con đường chiến lược, thuộc hành lang đường bộ Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa sáu nước tiểu vùng sông Mekong gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. 
Con đường không chỉ đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh đi qua, mà còn có ý nghĩa với cả vùng Tây Bắc, cũng như thúc đẩy sự hợp tác phát triển các nước trong khu vực. Tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, được đưa vào hoạt động tháng 9/2014 và là một phần trong dự án hành lang kinh tế Bắc-Nam, cho thấy con đường có tác động lớn tới hiệu quả kinh tế của một quốc gia, rút ngắn thời gian đi lại từ 7 tiếng xuống còn chỉ 3 tiếng. 
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Thao cho biết số phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa và hành khách tham gia lưu thông trên tuyến đường này tăng rất mạnh so với trước đây. Nhiều người từ Điện Biên, Lai Châu cũng lựa chọn đi qua Sa Pa để nhập vào cao tốc về Hà Nội. 
Số liệu thống kê của Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho thấy năm 2015, tổng lưu lượng xe qua lại trên đường cao tốc đến tỉnh Lào Cai đạt hơn 2.258.000 lượt xe, trung bình 6.200 lượt xe/ngày đêm, số lượng này đã lên tới hơn 3.531.000 lượt xe, trung bình đạt 9.674 lượt xe/ngày đêm trong năm 2017. 
Đại diện Bến xe trung tâm tỉnh Lào Cai cho hay trước đây giao thông đường bộ đi lại khó khăn và nguy hiểm, mỗi ngày chỉ có khoảng 50-70 chuyến xe nhưng đến nay, trung bình Bến xe khách Lào Cai tiếp nhận khoảng gần 200 lượt phương tiện/ngày, 20% trong số đó là khách quốc tế.
Không chỉ phát triển du lịch, việc rút ngắn thời gian lưu thông cũng khiến cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập mới trên địa bàn, thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các đối tác, thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Hoạt động giao thương tại cửa khẩu Lào Cao diễn ra sôi động với lượng phương tiện của Việt Nam và Trung Quốc chở hàng hóa xuất nhập cảnh ngày một gia tăng. 
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan tỉnh Lào Cai, số phương tiện Việt Nam xuất cảnh trong năm 2017 là 72.107 lượt so 25.686 lượt vào năm 2015 cho thấy hiệu quả rõ rệt từ việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Lưu lượng hàng hóa chuyển bằng container ngày càng tăng từ khi tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng trên tuyến cao tốc này với chi phí cho nhiên liệu được tiết kiệm đến 10% và thời gian vận chuyển cũng cắt giảm được khoảng 50%.
Có thể thấy, dự án cao tốc Hà Nội-Lào Cai quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả tiểu vùng, làm thay đổi bức tranh kinh tế của các địa phương miền bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc thông qua tăng cường giao thông, giao lưu thương mại, thúc đẩy đầu tư và du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho các tỉnh dọc tuyến cao tốc khai thác được lợi thế phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Giao thông phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như tăng cường cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương khu vực Tây Bắc trong tương lai. 
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á đã hỗ trợ hai hành lang kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng khác giúp kết nối Việt Nam với các quốc gia láng giềng khu vực: Hành lang kinh tế phía Nam, kết nối các thành phố và thị xã lớn ở khu vực phía Nam của tiểu vùng; Hành lang kinh tế Đông-Tây, trải dài 1.320km từ Cảng Đà Nẵng ở bờ biển phía Đông của Việt Nam tới tận bờ Ấn Độ Dương của Myanmar. Các hành lang kinh tế đều có một loạt dự án bổ trợ, thường nằm dọc theo một tuyến đường trọng yếu. 
Trở thành tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập, hài hòa 
Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác tiểu vùng Mekong, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại-đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường. 
Để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập và hài hòa, các nhà lãnh đạo của hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng đã thông qua Khuôn khổ chiến lược 10 năm tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ tư vào năm 2011, làm cơ sở định hướng cho hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng từ năm 2012 đến năm 2022. Khuôn khổ chiến lược này dựa trên cam kết và các kế hoạch phát triển quốc gia của các thành viên nhằm đẩy mạnh hội nhập, hợp tác khu vực trong và ngoài tiểu vùng Mekong mở rộng. 
Các quốc gia thành viên tiểu vùng Mekong mở rộng tái khẳng định tầm nhìn và các mục tiêu chỉ đạo chương trình hiện nay là hướng tới một tiểu vùng sông Mekong thịnh vượng, hội nhập và hài hòa. Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong sẽ góp phần hiện thực hóa tiềm năng của tiểu vùng qua môi trường chính sách thuận lợi và hạ tầng kết nối hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác; phát triển nguồn nhân lực và năng lực kỹ năng. Việc hình thành và triển khai Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, đảm bảo quá trình phát triển công bằng và bền vững, những lợi ích về môi trường, xã hội sẽ được tôn trọng đầy đủ. 
Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng tập trung vào các lĩnh vực giao thông nhằm xây dựng các hành lang giao thông ưu tiên kết nối tiểu vùng và kết nối giao thông đến các trung tâm dân cư, các điểm đến du lịch, thị trường, các trung tâm hoạt động kinh tế khác, góp phần đẩy mạnh thương mại, du lịch, đầu tư, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội và dịch vụ khác. 

 
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tại tiểu vùng nhằm thiết lập một thị trường điện năng khu vực, cạnh tranh và hội nhập, qua đó phát triển bền vững các nguồn lực năng lượng phong phú, cải thiện an ninh năng lượng, cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại và trong khả năng chi trả của người dân. 
Lĩnh vực nông nghiệp đặt mục tiêu về một tiểu vùng sẽ được công nhận trên toàn cầu là nơi sản xuất thực phẩm an toàn hàng đầu bằng các biện pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu và hội nhập với các thị trường toàn cầu qua các hành lang kinh tế khu vực. 
Đồng thời, Chương trình còn hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm hình thành nên một khu vực, trong đó tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. 
Các đề án hợp tác phát triển nguồn nhân lực tập trung vào đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động và di cư, phát triển xã hội, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, di cư an toàn, đào tạo kỹ thuật và nghề, giáo dục bậc cao và nghiên cứu. 
Lĩnh vực phát triển đô thị tại tiểu vùng tập trung đầu tư cho các dịch vụ và hạ tầng đô thị ưu tiên tại các thành phố nhỏ, dọc các hàng lang giao thông tiểu vùng Mekong mở rộng. Bên cạnh đó, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng du lịch, kết hợp với nâng cao năng lực, đào tạo và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển bền vững. 
Các nỗ lực về công nghệ thông tin và truyền thông tại tiểu vùng nhằm cải thiện kết nối viễn thông, cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ đẩy mạnh cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông, giảm chi phí giao dịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực...
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm