Kinh tế

Giá cả thị trường

Thực hư hàng trăm container thanh long bị Trung Quốc cấm cửa?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tất cả container ùn ứ tại cửa khẩu trong tuần qua đã được giải quyết thông quan, mỗi ngày có gần 100 xe container chở thanh long ra cửa khẩu.
Trước thông tin hiện nay có hàng trăm xe container chở thanh long của Việt Nam xuất qua cửa khẩu Lào Cai bị cơ quan chức năng phía Trung Quốc cấm cửa không cho qua biên giới, phóng viên VOV đã liên hệ với ông Trần Anh Tú, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Cửa khẩu tỉnh Lào Cai để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Theo ông Trần Anh Tú, nguyên nhân do doanh nghiệp đầu mối từ phía Trung Quốc trong quá trình làm thủ tục thông quan cho xe thanh long của Việt Nam đã xảy ra vi phạm nên vô hình trung một số lô đầu kéo liên quan đến doanh nghiệp vi phạm kia bị liệt vào danh sách “hạn chế” không được qua biên giới.
“Có khoảng 500 đầu kéo nằm trong danh sách bị hạn chế. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ kiểm soát phần đầu kéo, còn rơ moóc theo sau không ảnh hưởng, do đó doanh nghiệp đã khắc phục bằng cách đổi đầu kéo khác”, ông Tú nói.
 
Xe chở thanh long vẫn tấp nập xuất qua cửa khẩu Lào Cai mỗi ngày.
Ông Tú cho hay, hiện tất cả container ùn ứ tại cửa khẩu trong tuần qua đã được giải quyết thông quan. Từ hôm qua đến nay, mỗi ngày có gần 100 xe container chở thanh long từ các tỉnh miền trong ra cửa khẩu, mọi thủ tục xuất khẩu đều diễn ra thuận lợi.
“Đúng thời điểm thanh long chín rộ nên số xe vận tải loại quả này từ các tỉnh miền trong đổ về nhiều đột biến khiến cửa khẩu trở nên quá tải chứ không phải do phía Trung Quốc siết chặt kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hay nguyên nhân gì khác”, ông Tú khẳng định.
Hiện nay, phía Trung Quốc vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho thanh long Việt xuất khẩu qua biên giới. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã có hơn 400.000 tấn thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt kim ngạch trên 300 triệu USD.
“Điểm khác biệt duy nhất giữa hai bên là thanh long phía Việt Nam xuất khẩu theo diện chính ngạch, còn đối với Trung Quốc, thanh long xếp vào hàng nhập khẩu biên mậu của cư dân biên giới. Nếu để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì còn khó khăn hơn, vì hàng rào kỹ thuật của họ rất khắt khe”, ông Tú nhấn mạnh.
Ông Tú cho biết thêm, các lực lượng tại cửa khẩu trong đó có Hải quan luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan thuận lợi nhất trên cơ sở quy định của pháp luật. Riêng đối với mặt hàng quả thanh long, thực chất doanh nghiệp Trung Quốc đã thu mua tận vườn, toàn bộ vốn liếng do họ bỏ ra, họ chỉ thuê doanh nghiệp vận tải của ta vận chuyển tới cửa khẩu qua biên giới. Do đó, trong trường hợp xuất khẩu thanh long gặp khó thì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
An Kiên (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm