Kinh tế

Nông nghiệp

"Thung lũng vàng" chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, huyện Phú Thiện, Gia Lai được xem là trung tâm của vựa lúa Ayun Hạ. Nhờ cây lúa mà Phú Thiện đang khởi sắc từng ngày với mô hình cánh đồng mẫu lớn và xây dựng làng nông thôn mới (NTM).      

 

Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn

Là trung tâm của vựa lúa Ayun Hạ, Phú Thiện có tổng diện tích trồng lúa gần 14.000 ha. Theo kế hoạch, vụ mùa 2019, toàn huyện gieo sạ 6.070 ha lúa nước. Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT, các xã, hợp tác xã (HTX) tiếp tục duy trì cánh đồng lúa lớn một giống hiện có; đồng thời, hỗ trợ nông dân về giống, phân bón, kỹ thuật… để nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống.

Đang giữa trưa nắng gắt nhưng trên cánh đồng Thắng Lợi (xã Ia Sol) vẫn có nhiều nông dân cặm cụi làm cỏ lúa. Lội xuống đám ruộng hơn 2 sào sử dụng giống nếp 97 đang thời kỳ làm đòng, ông Lê Văn Hội cho hay: “Thời điểm này, cây lúa chuẩn bị trổ bông nên rất mẫn cảm với sâu bệnh. Do vậy, người nông dân phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện, xử lý kịp thời và bón đủ phân để cây lúa chắc, khỏe, làm đòng tốt, hạn chế ngã đổ do mưa bão và bông lúa được dài, trĩu hạt”. 

 Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống cho hiệu quả cao ở Phú Thiện. Ảnh: Đ.P
Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống cho hiệu quả cao ở Phú Thiện. Ảnh: Đ.P



Xã Ia Sol có diện tích lúa nước lớn nhất huyện Phú Thiện với gần 1.000 ha. Đây cũng là địa phương có diện tích cánh đồng lúa lớn một giống nhiều nhất huyện với tổng cộng 250 ha trên 3 cánh đồng: Rniu, Thắng Lợi và Ia Sol 3. Ông Đặng Tiến Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sol-cho biết: Vụ mùa này, nông dân sử dụng duy nhất giống nếp 87 cho các cánh đồng một giống. Đây là loại nếp đã khẳng định ưu thế về năng suất, chất lượng vượt trội trong mấy mùa gần đây, bình quân đạt trên 7 tạ/sào, giá bán cũng cao hơn các loại lúa khác khoảng 500 đồng/kg. Trồng giống nếp này có thuận lợi là người dân bán lúa tươi cho thương lái chở vào các tỉnh miền Tây Nam bộ, không phải lo lắng đến việc phơi khô vì mùa này thường gặp mưa bão.

Để hỗ trợ nông dân, vụ mùa 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã đầu tư giống lúa xác nhận TBR225 và LH12 cho xã Ia Ake trồng trên 50 ha cánh đồng lúa lớn một giống. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết các HTX đã chủ động cung ứng các giống lúa nguyên chủng và xác nhận cho nông dân gieo sạ. Nhờ đó, trên đồng ruộng của huyện hiện nay nông dân đã sử dụng trên 70% giống xác nhận, góp phần giảm thiểu sâu bệnh, ổn định năng suất và hạn chế việc nông dân dùng lúa thịt làm lúa giống.

Trong các vụ sản xuất gần đây, UBND huyện đã khuyến khích một số HTX nông nghiệp tổ chức thu mua lúa cho nông dân, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tình trạng ép giá. “Hợp tác xã cam kết thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường 100-200 đồng/kg. Cụ thể, trong vụ Đông Xuân vừa qua, lúa mua tại nhà dân các giống LH12 và TBR225 giá 6.300 đồng/kg, lúa OM4900 giá 6.000 đồng/kg. Sắp tới, HTX sẽ ưu tiên thu mua lúa ở cánh đồng lớn một giống”-ông Phạm Ngọc Nghĩa nói.

Theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, vụ mùa này, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống lên 1.200 ha ở 24 cánh đồng, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”. Các giống lúa huyện khuyến cáo nông dân sử dụng gồm: LH12, TBR225, ML48, nếp 87, nếp 97… Đây là các loại giống lúa ngắn ngày, chống ngã đổ, kháng sâu bệnh, cho hạt gạo thơm ngon. “Cánh đồng lúa lớn cho năng suất bình quân 7-8 tấn/ha, lợi nhuận 30 triệu đồng/ha, cao hơn cách trồng cũ 1,5 tấn/ha, tương ứng 8 triệu đồng/ha. Nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống và ổn định bộ giống lúa năng suất, chất lượng cao là định hướng lớn của huyện nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu Gạo Phú Thiện”-ông Quý cho hay.

Phương thức sản xuất thủ công lạc hậu khi xưa giờ đã không còn. Hơn 90% công đoạn canh tác từ làm đất tới thu hoạch đã được thực hiện bằng cơ giới, giúp hàng trăm nông dân đạt doanh số gần trăm tấn lúa/năm. Cá biệt như gia đình ông Nguyễn Lâm Thoa (tổ 13) mỗi năm làm ra tới 200 tấn lúa. “Đến mùa gặt, ghé vào các buôn làng, nhà nào cũng đầy ắp lúa. Họ thực sự là những “phú ông” thời đổi mới”-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Rơ Chăm La Ni hồ hởi cho biết.

Khởi sắc làng NTM

Làng Pông, làng Hek (xã Chư A Thai) là những ngôi làng đầu tiên được tỉnh và huyện Phú Thiện chọn làm điểm xây dựng làng NTM theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua 2 năm thực hiện, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, diện mạo 2 ngôi làng này đã có nhiều khởi sắc. Các khu dân cư sau quy hoạch đều gọn gàng, ngăn nắp. Nhiều hộ có vườn rau xanh phục vụ bữa ăn gia đình. Chuồng trại chăn nuôi được làm kiên cố, bố trí xa khu nhà ở; cây xanh được trồng xung quanh khuôn viên nhà rông là khu sinh hoạt chung của làng; những “hàng rào xanh”, “con đường hoa”, vườn cây ăn quả... dần hình thành, đem lại diện mạo tươi mới cho làng NTM nơi đây.

 Mùa về buôn làng đày ắp lúa. Ảnh: Đ.P
Mùa về buôn làng đầy ắp lúa. Ảnh: Đ.P



Phấn khởi trước sự đổi thay của buôn làng, ông Đinh Dinh-Bí thư chi bộ làng Hek-cho hay: Nhờ lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm giúp đỡ, làng Hek đã được sắp xếp, quy hoạch lại bài bản. 11 trục đường bê tông chia làng thành 8 ô bàn cờ, lấy nhà rông làm khu trung tâm, điện thắp sáng được kéo, có cả bể nước sạch cho dân sử dụng. “Hơn 100 nóc nhà sàn được sắp xếp, di dời quay mặt ra đường chính, có cổng, ngõ. Mỗi hộ có 600 m2 đất để làm nhà, vườn rau và chuồng nuôi nhốt gia súc. Chính quyền hỗ trợ lưới B40, trụ bê tông để người dân rào vườn tược nhà nào ra nhà đó. 13 hộ với hơn 60 người định cư trên vùng núi Cheng Leng cũng được di dời về ổn định cuộc sống ở làng Hek”-ông Dinh nói.

Cùng với việc sắp xếp lại nhà cửa, bố trí lại dân cư, huyện Phú Thiện còn chú trọng làm thay đổi tập quán sản xuất, hướng tới tăng thu nhập cho người dân. Điển hình, ở làng Pông, qua hơn 2 năm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, dân làng đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bà con đã chuyển đổi 80 ha đất lúa một vụ sang xây dựng cánh đồng mía lớn để mang lại thu nhập cao hơn, giúp cải thiện cuộc sống. Anh Siu Bruynh (làng Pông) phấn khởi cho biết: “Cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Đường Ayun Pa phối hợp với cán bộ huyện, xã vận động nên gia đình mạnh dạn tham gia 1 ha. Làm cánh đồng mía lớn, tôi được giúp nhiều thứ như: giống, vốn, kỹ thuật, thu hoạch bằng máy nên rất thuận lợi”. Theo đánh giá của Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, qua thu hoạch, năng suất mía đạt bình quân 65 tấn/ha; bà con làng Pông có thu nhập từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng mì, lúa rẫy.

Ông Đỗ Ngọc Thành-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện-khẳng định: Trong quá trình triển khai xây dựng làng NTM tại làng Pông, làng Hek, điểm mấu chốt là làm thay đổi tập quán sản xuất, quy hoạch lại làng, sắp xếp dân cư nhưng phải giữ được ổn định trong dân, giữ được bản sắc, không làm xáo trộn đời sống văn hóa tinh thần của bà con nơi đây. “Từ thành công ở làng Pông, làng Hek, năm 2019, huyện Phú Thiện tiếp tục di dời nhà cửa, sắp xếp lại dân cư, bố trí lại sản xuất của các hộ dân làng Trớ. Cùng với đó, huyện phấn đấu xây dựng mỗi xã một làng NTM. Đây là tiền đề để huyện phấn đấu xây dựng xã NTM. Vì như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang là không có làng NTM thì sẽ không có xã NTM”-ông Thành chia sẻ.

ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm