Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thương nhớ đồng quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tôi, cánh đồng lúa và khung cảnh miền quê thanh bình luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Dù là mỗi sớm mai hay chiều tà, dù khi cánh đồng đang được cày bừa đầy mùi bùn đất hay là sau mùa gặt chỉ còn lại gốc rạ và lác đác vài loài hoa dại, tôi luôn tìm thấy ở đó một sự ấm áp thương yêu, cảm giác ngọt ngào đầy lôi cuốn.
Khi bầu trời còn tờ mờ sương, những ruộng lúa bờ cỏ còn ngủ yên dưới chiếc áo ướt rượt, người nông dân đã vác cuốc ra đồng để đắp bờ, nhổ cỏ. Người cắm câu đêm đã ra nhổ những chiếc cần được cắm xuống đám ruộng xăm xắp nước từ đêm hôm trước. Những con cá trê, cá rô, cá lóc được gỡ ra bỏ vào giỏ ra sức vùng vẫy. Mấy đứa con lớn trong gia đình tranh thủ ra đồng cắt đầy giỏ cỏ để đem về cho bò ăn trước khi đến trường. Màn sương trắng bao phủ trên đám lúa xanh rì đang dần tan khi ông mặt trời bắt đầu rắc những tia nắng xuống. Hơi sương là đà trên những đám ruộng, cùng với khói bếp từ các ngôi nhà trong xóm lan tỏa làm không gian như ấm lên. Buổi sáng sớm trên cánh đồng như làm mỗi người thư thái hơn.
Mặt trời dần lên cao. Ánh nắng vàng rực rỡ chiếu rọi trên cánh đồng để màu xanh của những ruộng lúa như lung linh, chấp chới. Nắng rọi xuống tấm lưng, gương mặt người nông dân đang chăm chỉ làm lụng. Những khuôn mặt đỏ bừng ẩn dưới vành nón lá che nghiêng. Công việc nhà nông trên nắng dưới nước đã thành quen. Chính những bàn tay chai sần rám nắng, những bàn chân nứt nẻ vì bùn đất ấy đã đem lại màu xanh mát mắt cho cánh đồng lúa đương thì con gái. Thỉnh thoảng một làn gió mát rượi thổi qua làm sóng lúa rập rờn, đem lại chút dễ chịu cho những khuôn mặt nông dân đang bừng đỏ. Lúa lên xanh tốt, những bờ cỏ cũng tươi non là nguồn thức ăn cho gia súc. Cá đồng, tôm, cua cũng mặc sức sinh sôi, góp món ăn dân dã nuôi sống người dân quê từ bao đời và bây giờ đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng. Đồng quê không chỉ là màu xanh mát của ấm no mà còn ẩn chứa bao điều hay để những đứa trẻ lớn lên từ nông thôn có thể học hỏi và mở rộng hiểu biết về thiên nhiên.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Lúa ngậm đòng, trổ bông rồi chín. Đồng lúa óng vàng, trĩu hạt trong một buổi chiều tà yên ả ở miền quê gợi về thật nhiều cảm xúc. Những làn gió mát nhẹ thổi bay mái tóc dài của cô thôn nữ sau buổi làm đồng trở về trên bờ kênh. Ánh mắt lấp lánh niềm vui của người nông dân khi nhìn những bông lúa dài trĩu nặng hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Bây giờ thì máy móc đã dần thay thế sức người, công việc của người nông dân đã đỡ phần vất vả. Nhớ ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần đọc đến câu ca dao: “Muốn no thì phải chăm làm/Một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi”, tôi lại thương những người nông dân quanh mình và cả bản thân mình cũng đã từng trải qua những ngày làm đồng nắng nóng, vất vả. Hạt gạo ngon ngọt là kết tinh của biết bao công sức khó nhọc, mong chờ và nỗi lo về thiên tai, sâu bệnh. Mùa lúa chín thật vui và bận rộn.Nhà nhà đều dậy từ sáng sớm để xuống đồng cắt, đập, cho lúa vào bao và chở về trước khi những cơn mưa chiều chợt đến. Thu hoạch xong lúa trên cánh đồng là bắt đầu những ngày phơi rơm, phơi lúa. Những con đường quê ngập đầy rơm rạ, những sân phơi và cả hai bên đường, tăng bạt được trải ra để lúa nhanh khô. Mùi rơm rạ nồng nàn vương trong không gian làng quê cùng với làn khói ấm đốt rơm, lúa lép lan tỏa khắp nơi. Mùi hương đồng nội ấy khắc ghi vào lòng mỗi người con xa quê để họ mãi nhớ về.
Những ngày tháng mười, lúa đang mùa chín rộ. Thương nhớ đồng quê, tôi chạy xe suốt một đoạn đường dài chỉ để nhìn lại cánh đồng nơi tôi đã lớn. Giữa cánh đồng, trong cái nắng nhạt và những làn gió se lạnh, tôi như gặp lại những hình ảnh thân thương của ba má và của cả tôi ngày nào. Tôi hít căng lồng ngực như nuốt trọn mùi hương đồng nội nồng nàn và ấm áp ấy.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm