Phóng sự - Ký sự

Thượng tướng Võ Tiến Trung: Nguyện cống hiến trọn đời vì cách mạng - Bài 1: Tuổi thơ nuôi chí anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

LTS: Thượng tướng Võ Tiến Trung, người con của mảnh đất Quảng Nam anh hùng đã có cuộc đời binh nghiệp trải dài hơn nửa thế kỷ với nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.

Từ một cậu bé lớn lên trong lao tù đế quốc, chịu đựng những mất mát và đau thương của chiến tranh, ông đã dấn thân theo cách mạng như một lẽ tự nhiên, là một chiến sĩ mưu trí, quả cảm, kiên cường, một người chỉ huy sâu sát bộ đội, rồi trở thành Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Giám đốc Học viện Quốc phòng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng.

Tuổi thơ của Thượng tướng Võ Tiến Trung gắn liền với khói lửa chiến tranh, đầy mất mát và hy sinh của vùng đất Liên khu 5 anh hùng. Chính hoàn cảnh khắc nghiệt ấy đã hun đúc nên một con người kiên trung, bất khuất, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cậu bé liên lạc trong lao tù

Chúng tôi gặp Thượng tướng Võ Tiến Trung trong một buổi chiều tại thành phố biển Đà Nẵng. Dù đã nghe nhiều về những thành tích và chiến công của ông cho cách mạng từ khi còn rất nhỏ nhưng phải đến khi trò chuyện trực tiếp, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được tinh thần người lính và lòng yêu nước sâu sắc trong ông.

- 11 tuổi ông đã là Đội trưởng Đội thiếu niên du kích bí mật. 12 tuổi nhận Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, rồi Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới... Động lực nào đã thôi thúc ông theo cách mạng từ sớm như vậy?-Chúng tôi thắc mắc.

- Ngày đó tôi còn quá nhỏ nên cũng chưa hiểu gì về cách mạng, nhưng tôi sinh ra đã đi theo cách mạng như một lẽ tự nhiên-Thượng tướng Võ Tiến Trung chân thành chia sẻ.

thuong-tuong-vo-tien-trungdd-4691-4576.jpg
Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ảnh: LIÊN VIỆT

Dòng hồi tưởng đưa vị Thượng tướng có những chiến công lẫy lừng từ thời thơ ấu trở về với mảnh đất quê hương Quảng Nam-nơi chiến tranh đã in hằn dấu vết trên từng tấc đất. Võ Tiến Trung chào đời trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha cậu là ông Võ Đức Dật (Võ Miễn), thành viên Ban khởi nghĩa cướp chính quyền tại xã Duy Mỹ (Duy Xuyên, Quảng Nam) trong Cách mạng Tháng Tám. Đầu năm 1955, khi Võ Tiến Trung vừa chào đời được vài tháng, ông Võ Miễn-lúc đó là Bí thư chi bộ-đã đưa hơn 50 đảng viên đang có nguy cơ bị địch thủ tiêu tập kết ra Bắc. Địch rất cay cú vì chưa thực hiện được mưu đồ nên chúng liền bắt vợ và con của ông Miễn-bà Đỗ Thị Nhân cùng Võ Tiến Trung còn đang đỏ hỏn-vào tù, ép buộc bà khai ra thông tin của chồng và những người đảng viên. Tuổi thơ của Võ Tiến Trung vì thế mà cũng gắn liền với chốn lao tù.

Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ những ngón đòn mà địch tra tấn mẹ mình. Có lần, bà bị trói nằm ngửa trên ghế, hai chân thõng xuống đất. Một tên cai tù dùng xà phòng bột hòa tan, cho vào cái ấm dung tích chừng 5 lít, khoắng đều rồi đổ vào miệng, mũi bà; hai tên còn lại dùng thanh ván đặt trên bụng bà dập lên dập xuống, chẳng mấy chốc máu miệng, máu mũi bà trào ra. Thấy mẹ bị tra tấn, Võ Tiến Trung kêu khóc thì bị chúng trói ngồi trên ghế nhựa, nhét quả chanh vào miệng rồi dán băng dính lại...

"Ngày ấy, tận mắt chứng kiến cảnh địch tra tấn mẹ tôi và các cán bộ của mình, trong lòng một đứa trẻ mới vài tuổi như tôi đã phân định rõ ràng ranh giới: Ta và địch", giọng Thượng tướng Võ Tiến Trung đanh thép.

Trong tù, khi được khoảng 6 tuổi, Võ Tiến Trung đã làm liên lạc cho các tổ chức đảng của ta trong nhà tù. Những mẩu tin, lá thư khi thì được gấp gọn giấu trong ve áo, khi thì được đút vào ổ bánh mì... đã được Võ Tiến Trung chuyển qua lại an toàn cho các đồng chí đảng viên.

Đến năm 1963, tù chính trị được thả, Võ Tiến Trung và mẹ theo đó được trả tự do. Lúc này cậu đã 9 tuổi, tính "vui" là đã hoạt động cho cách mạng được 3 năm.

Người chứng minh khả năng diệt Mỹ

Khi Võ Tiến Trung được trả lại tự do cũng là lúc cậu chính thức làm liên lạc cho đội công tác xã Lộc Phước (nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Cùng thời gian này, ở quê hương cậu bùng lên phong trào phá "ấp chiến lược" và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Năm 1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh, đưa quân viễn chinh vào Việt Nam, phía địch tuyên truyền rằng họ là lực lượng vĩ đại nhất, hiện đại nhất, được trang bị đầy đủ nhất trên thế giới và không thể bị đánh bại. Hình máy bay B-52 còn được in cả trên vỏ kẹo để thể hiện sức mạnh của chúng. Địch nói lính Mỹ mang giày bọc thép, mặc áo giáp, đội mũ sắt, đạn bắn không thủng, nhằm tạo tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lực lượng du kích của ta.

2votientrung2170051850pm-4404-7219.jpg
Học viên Võ Tiến Trung (hàng đứng, thứ hai từ trái sang) tháng 6-1974. Ảnh do nhân vật cung cấp

Để chuẩn bị đánh Mỹ, nhân dân ở các vùng giải phóng tổ chức thành các nhóm: Nhóm đánh địch, hay còn gọi là nhóm chiến đấu; nhóm địch vận; nhóm cứu thương; nhóm công binh, chuyên đào các hầm bí mật, hầm tránh pháo. Tháng 5-1965, khi mới 11 tuổi, Võ Tiến Trung được cử làm Đội trưởng Đội thiếu niên du kích bí mật, vừa tham gia nhóm đánh địch, vừa hoạt động cùng nhóm địch vận. Ông cùng các thành viên Đội thiếu niên du kích bí mật gồm Võ Năm, Trần Quốc Tám, Nguyễn Tứ, Trần Quốc Dũng, Trần Hoa, Lê Phước Tiến, Lê Phước Ảnh được huấn luyện cách làm vũ khí tự tạo, sử dụng lựu đạn và súng để đánh địch. 4 thiếu niên trong Đội đã hy sinh sau đó.

- Đây là bước chuẩn bị quan trọng của ông cho lần đầu diệt Mỹ?

- Đúng vậy. Vì cũng tham gia nhóm địch vận nên nhiều lần tôi lân la lại gần bọn Mỹ, nhìn kỹ thì thấy chúng vẫn có những chỗ không được bảo vệ như mặt, tay... như vậy thì vẫn có thể đánh được. Thế rồi, trong một lần thấy lính Mỹ cởi áo giáp đặt xuống đất, tôi liền lấy trộm lựu đạn, rút chốt rồi giấu xuống dưới áo giáp. Đến khi chúng cầm áo lên thì lựu đạn rơi xuống đất phát nổ, khiến 1 tên chết, 2 tên bị thương.

Mấy chú du kích khen Võ Tiến Trung giỏi, nhưng vẫn còn lo lắng: "Mày đánh lúc nó cởi áo giáp rồi, chứ nó mặc áo giáp sao đánh được".

Thế là một lần khác, khi lính Mỹ vào làng, chúng mặc nguyên áo giáp. Võ Tiến Trung tìm gặp Tín (con bà Hai Thảo), là trinh sát của du kích xã vào bám địch, đề nghị:

- Tao thấy Mỹ rồi, ta đi đánh thôi!

- Không có vũ khí, lấy gì mà đánh?

- Tao có hai trái lựu đạn.

- Nó ở đâu?

- Tao để trên ngọn cây thầu dầu, trong cái tổ chim cu.

Lấy được lựu đạn, Trung và Tín bò vào gần. Thấy lính Mỹ ngồi đầy bên bụi tre cuối làng, gần nhà ông Kiệt, hai cậu liền rút chốt, ném lựu đạn về phía đó rồi bỏ chạy. Lựu đạn phát nổ, nhiều lính Mỹ thương vong.

Sau những lần Võ Tiến Trung mưu trí tiêu diệt được địch, bà con địa phương dần có niềm tin vào khả năng diệt Mỹ.

Sau này, ông liên tiếp trải qua nhiều trận đối đầu với địch. Đặc biệt, năm 1969, ông phát hiện đại đội của địch gần 100 tên hành quân lùng sục cán bộ của ta. Sau khi báo cáo cấp trên, ông lấy hộp kíp điện mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tặng, cùng với 9 quả đạn pháo 105mm và 1 quả đạn cối 81mm lượm được trước đó, kết thành bẫy mìn dài khoảng 200m, đặt trên đường lính Mỹ hành quân. Bẫy mìn nổ, địch bị thương và chết la liệt. Đại đội 11, Trung đoàn 38 xung phong tiêu diệt gần hết đại đội địch. Trận này, trong gần 100 tên địch bị tiêu diệt, riêng Võ Tiến Trung được công nhận diệt gọn 15 tên và được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Trải qua hàng trăm trận chiến đấu, Võ Tiến Trung đã lập nhiều thành tích đáng nể: 7 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới... được tặng thưởng hàng chục huân chương các loại, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Hồi ức về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trong cuộc đời binh nghiệp, có những cuộc gặp gỡ chóng vánh nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Thượng tướng Võ Tiến Trung. Câu chuyện về lần gặp gỡ giữa ông với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những kỷ niệm như thế. "Tình cảm ấm áp và tầm nhìn chiến lược của vị Đại tướng tài ba đã thắp sáng con đường cách mạng cho tôi", Thượng tướng Võ Tiến Trung bồi hồi nhớ lại...

Đó là vào năm 1966, sau Đại hội Du kích chiến tranh của tỉnh Quảng Đà, Đại hội Du kích chiến tranh Liên khu 5 được tổ chức, Võ Tiến Trung là một trong các đại biểu được tham dự. Theo dự kiến ban đầu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ đến dự đại hội để nghe báo cáo về cách đánh Mỹ. Tuy nhiên, do công việc nên Đại tướng không thể tham dự. Thay vào đó, ông triệu tập một đoàn từ Liên khu 5 vào Tây Ninh để báo cáo trực tiếp.

Đoàn được chia thành hai nhóm: Nhóm chủ lực do ông Nguyễn Năng chỉ huy và nhóm du kích do chị Tính, Huyện đội trưởng Huyện đội Điện Bàn dẫn đầu. Võ Tiến Trung đi cùng nhóm du kích. Trên đường đi, do mưa lũ, nhóm của ông bị chậm hơn nhóm kia 3 ngày.

Khi đến Tây Ninh, Võ Tiến Trung được gặp đồng chí Trường Sơn, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong buổi báo cáo, sự quan tâm của đồng chí Trường Sơn khiến Võ Tiến Trung cảm thấy ngạc nhiên. Đồng chí không hỏi về chiến thuật đánh Mỹ như thế nào mà tập trung vào cuộc sống của lính Mỹ, như: Khi vào làng, chúng làm gì? Khi bị thương hoặc tử trận, thái độ của chúng ra sao? Ban đêm chúng ngủ trong làng thì bố trí thế nào?...

Võ Tiến Trung cũng cảm nhận được tình cảm ấm áp từ đồng chí Trường Sơn. Ông ngồi bên cạnh, khoác vai và hỏi han: "Cháu đi đường có mệt không? Ăn uống thế nào? Các chú có chăm sóc cháu tốt không? Vào đây, chú sẽ cho cháu ăn bù để lấy lại sức nhé".

Biết Võ Tiến Trung đã được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, đồng chí Trường Sơn tặng cậu một chiếc hộp đẹp để đựng chiếc Huân chương đó. Võ Tiến Trung liền ngỏ lời:

- Thưa chú, chú cho con đổi được không?

- Cháu muốn đổi gì?

- Con muốn đổi tấm huân chương này lấy khẩu súng ngắn chú đeo.

Khi đồng chí Trường Sơn hỏi lý do, Trung giải thích: "Mang về nhà, thấy hộp huân chương, địch sẽ giết cả nhà cháu. Nhưng nếu được chú cho khẩu súng và một ít kíp nổ điện, cháu có vũ khí để đánh Mỹ".

Nghe vậy, đồng chí Trường Sơn cười, rồi quay sang chị Tính, nói: “Cô Tính, về xây dựng phong trào du kích chiến tranh của Quảng Đà, tôi cho cô điểm 10, nhưng giáo dục các cháu về ý nghĩa của huân chương, tôi cho điểm bét”, rồi đồng chí cười và nói tiếp: "Tôi nói vui thôi chứ ai lại trách cậu bé 12 tuổi". Sau đó ông dặn dò tôi: "Cháu gửi Huân chương cho chị Tính giữ ở căn cứ. Còn trước khi về, chú sẽ tặng cháu khẩu súng và kíp nổ".

Trước ngày trở về, đồng chí Trường Sơn tặng Võ Tiến Trung một hộp kíp nổ điện và một khẩu súng K59, rồi bảo: "Cháu nhỏ, khẩu súng này vừa với cháu và dễ sử dụng".

Sau khi trở về, Võ Tiến Trung tiếp tục tham gia chiến đấu, trở thành Tiểu đội trưởng Tiểu đội Liên Trinh (liên lạc và trinh sát) khi mới 12 tuổi. Trong Tiểu đội có 5 người thì 2 người 13 tuổi, nhưng vì Võ Tiến Trung đã diệt được Mỹ, đã đi dự Đại hội Du kích chiến tranh của Liên khu 5 nên được làm Tiểu đội trưởng.

Đầu tháng 7-1967, trong Đại hội Du kích chiến tranh lần thứ hai của Quảng Đà, tin tức Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời lan truyền. Khi nghe đọc tiểu sử và nhìn thấy ảnh Đại tướng, Võ Tiến Trung mới nhận ra "chú Trường Sơn" chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cậu òa khóc giữa đại hội: "Bây giờ cháu mới biết chú Trường Sơn chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người đã gặp cháu, cho cháu ăn cơm, tặng kẹo và khẩu súng".

Sau này, khi đã trưởng thành trong Quân đội, Võ Tiến Trung nhớ lại, hiểu sâu sắc hơn những lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói trong lần gặp đoàn đại biểu ở Tây Ninh và đó chính là những định hướng chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: "Sau khi nghe các đồng chí báo cáo, tôi kết luận là: Ta có thể đánh Mỹ được, đánh ở mọi địa hình, thời tiết, bằng mọi lực lượng; bộ đội chủ lực đánh được, bộ đội địa phương đánh được, du kích đánh được; và muốn đánh được Mỹ thì phải nắm thắt lưng Mỹ mà đánh".

Kỷ niệm với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là một trang hồi ức đẹp trong cuộc đời Thượng tướng Võ Tiến Trung mà đó còn là nguồn động lực to lớn, giúp ông vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong sự nghiệp sau này...

(còn nữa)

Theo PHẠM NGUYỄN HOÀNG (qdnd.vn)

Có thể bạn quan tâm