Trong số 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn 132 tham gia giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn binh chủng thì sáng kiến “Máy tách vỏ cáp quang” của Thượng úy Nguyễn Văn Long được đơn vị đánh giá cao.
Thượng úy Long cho biết: “Tôi thường xuyên chở người và phương tiện đi khắc phục những sự cố thông tin liên lạc. Hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, những nơi đồi núi hiểm trở nên công việc khắc phục rất vất vả. Trong những lần cùng đồng đội tham gia sửa chữa thiết bị, tôi luôn trăn trở muốn làm một cái gì đó giúp anh em bớt vất vả, khắc phục sự cố nhanh nhất để đảm bảo thông tin liên lạc luôn thông suốt”.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Long (bìa phải) thực hành trên “Máy tách vỏ cáp quang”. Ảnh: V.H |
Xuất phát từ suy nghĩ ấy, năm 2023, Thượng úy Long đã cho ra đời sáng kiến “Máy tách vỏ cáp quang”. Sáng kiến này đã giúp cán bộ, chiến sĩ thao tác tách vỏ cáp quang nhanh hơn, lại đảm bảo an toàn, chính xác. Máy tách vỏ cáp quang được cấu tạo gồm 7 bộ phận: van tăng độ cao dao cắt vỏ cáp, ổ bi đỡ trục, tay quay điều khiển, hệ thống đỡ sợi cáp, giá đỡ máy cắt, bánh răng kết nối động cơ điện, dao cắt vỏ cáp. Khi muốn tách vỏ cáp hoặc cắt cáp, người sử dụng chỉ cần đưa máy vào vị trí cần cắt, cố định độ sâu, mở van tăng/giảm độ sâu lưỡi dao, điều khiển tay quay để dây cáp chạy trên giá đỡ cho đến khi hết vị trí cần cắt. Khi hoàn thành việc cắt hoặc tách vỏ cáp thì mở van, đưa dây cáp đã cắt hoặc tách tiến hành hàn cáp.
“Trước đây, muốn tách vỏ hay cắt cáp thì cần 3 người: 2 người giữ hai đầu sợi cáp và 1 người dùng thiết bị để tách vỏ, cắt vỏ. Công việc mất rất nhiều thời gian. Từ khi có thiết bị này thì chỉ cần 1 người có thể tách và cắt nên công tác khắc phục sự cố diễn ra nhanh chóng. Ưu điểm của thiết bị này là vừa có thể tách vỏ, vừa cắt cáp, trọng lượng nhẹ nên khi khắc phục sự cố ở những nơi địa hình phức tạp, cán bộ, chiến sĩ đỡ vất vả hơn”-Thượng úy Long tâm sự.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Thượng úy Long có hoàn cảnh khá khó khăn. Vì nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nên anh thường xuyên xa nhà, bản thân luôn phải khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là một lái xe nhưng nhiều lúc anh cũng trực tiếp tham gia cùng đồng đội sửa chữa, khắc phục những sự cố thông tin liên lạc.
Trước đó, năm 2022, anh và nhóm tác giả cùng đơn vị đã cho ra đời sáng kiến “Bộ bàn ra cáp đa năng” và đạt giải ba giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” của Binh chủng Thông tin liên lạc. Trước đây, khi chưa có sáng kiến này, việc rải cáp và thu hồi cáp, đặc biệt là cáp quang quân sự mất nhiều thời gian và phải có nhiều người cùng tham gia. Thiết bị này có hệ thống rulo, trục bi, bàn xoay, khi muốn thả dây cáp hoặc thu hồi cáp, người điều khiển chỉ cần đưa cuộn cáp lên bàn. Tùy theo yêu cầu thu hoặc thả cáp, người điều khiển chỉ cần sử dụng các thao tác trên bàn để thực hiện. Việc này không cần phải nhiều người kéo cáp, cuốn cáp như trước đây. Sáng kiến “Bộ bàn ra cáp đa năng” đã giúp giảm được nhiều thời gian, công sức, đặc biệt là đáp ứng triển khai nhanh chóng, bí mật đối với những loại cáp quang quân sự.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Sỹ Hãnh-Chỉ huy trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật (Lữ đoàn 132) cho biết: “Lữ đoàn có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho gần 20 đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, vùng 3, vùng 4 Hải quân, Cảnh sát Biển, Quần đảo Trường Sa… Địa bàn trải rộng hàng ngàn km, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt nên những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ trong đơn vị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những sáng kiến của Thượng úy Nguyễn Văn Long được áp dụng vào thực tế đã bước đầu mang lại hiệu quả, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.