Sức khỏe

Thủy đậu một trong những bệnh dễ lây nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hầu như mọi người đều bị nhiễm vi rút thủy đậu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông và đầu xuân.

Ngăn ngừa lây lan trong trường học

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay tại H.Chương Mỹ đã có 129 ca mắc thủy đậu. Riêng trong 2 tuần gần đây, trên địa bàn huyện đã ghi nhận ổ dịch thủy đậu ở Trường tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc.

Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, Trung tâm y tế H.Chương Mỹ phối hợp trạm y tế các xã đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn; tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra.

Trẻ em mắc thủy đậu cần được chăm sóc ở nhà trong 7 ngày. Ảnh: Shutterstock

Trẻ em mắc thủy đậu cần được chăm sóc ở nhà trong 7 ngày. Ảnh: Shutterstock

Vi rút thủy đậu (varicella virus) là tác nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn nên còn có tên là vi rút thủy đậu - zona (VZV). Vi rút thủy đậu sống được vài ngày trong vảy thủy đậu khi bong ra, tồn tại không khí.

Vi rút dễ bị chết bởi các thuốc sát khuẩn thường dùng.

Hầu như mọi người đều bị nhiễm vi rút thủy đậu. Ở những vùng khí hậu ôn hòa, ít nhất 90% trẻ dưới 15 tuổi bị mắc thủy đậu và ít nhất 95% người lớn bị mắc bệnh. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông và đầu xuân.

Thời gian ủ bệnh 2 - 3 tuần, thông thường 14 - 16 ngày. Thời kỳ lây truyền thường từ 1 - 2 ngày trước phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên. Sự lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch.

Khi bị bệnh, thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Rất dễ lây

Thủy đậu dễ lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng, lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc.

Thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây nhất. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều cảm nhiễm với bệnh. Tỷ lệ lây nhiễm cho những người sống cùng bệnh nhân khoảng 70 - 90%. Bệnh nhân zona có thể lan truyền bệnh trong một tuần sau khi mọc ban.

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, trẻ em mắc thủy đậu cần được chăm sóc ở nhà trong 7 ngày. Người lớn mắc bệnh không được đi làm, tránh tiếp xúc với người khác. Sát khuẩn tẩy uế đồ vật bị nhiễm dịch tiết từ mũi họng của người bệnh. Ca bệnh thủy đậu được điều trị triệu chứng. Trong đó, chống ngứa, dùng thuốc kháng vi rút theo chỉ định của bác sĩ. Vệ sinh thân thể, thay quần áo hằng ngày. Bôi thuốc sát trùng, dùng kháng sinh nếu có dấu hiệu bội nhiễm.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân thực hiện một số biện pháp sau:

Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em theo lịch tiêm chủng với sự tư vấn của nhân viên y tế. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Người mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm