Kinh tế

Giá cả thị trường

Thủy điện An Khê-Ka Nak: Cần đảm bảo hài hòa các lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Gia Lai, sáng 4-6, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Phạm Ngọc Linh-Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Thủy điện An Khê-Ka Nak (huyện Kbang, Gia Lai). Cùng đi có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Thường trực Huyện ủy và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang.
Ngoài khảo sát thực tế việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) tại Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak, chuyến đi này của đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương còn nhằm nắm tình hình, tác động của dự án thủy điện trên đến kinh tế-xã hội và môi trường tại địa phương.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Tuần-Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak (Tổng Công ty Phát điện 2) cho biết: Công ty hiện đang quản lý vận hành 2 hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng dung tích hữu ích 291,1 triệu m3 (hồ Ka Nak có dung tích 285,5 triệu m3; hồ An Khê có dung tích 5,6 triệu m3); quản lý vận hành 2 nhà máy thủy điện (An Khê và Ka Nak) với tổng công suất 173 MW. Ngoài nhiệm vụ phát điện cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia, 2 nhà máy thủy điện An Khê và Ka Nak còn góp phần giảm lũ và cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân địa phương vùng hạ du.
Lãnh đạo Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak giới thiệu với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về hệ thống điều hành hoạt động sản xuất điện năng. Ảnh: N.M
Lãnh đạo Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak giới thiệu với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về hệ thống điều hành hoạt động sản xuất điện năng. Ảnh: N.M
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Phát điện 2 đã quan tâm chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc về việc ứng dụng và phát triển CNTT; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong sản xuất và kinh doanh điện năng. Đến nay, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã triển khai ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử (E-Office); hệ thống quản lý kỹ thuật nhà máy điện (PMIS); hệ thống quản lý lệnh điều độ thời gian thực (DIM); hệ thống quản lý đo đếm và giao nhận điện năng; hệ thống thu thập số liệu quan trắc và vận hành hồ chứa; hệ thống thu thập dữ liệu, điều khiển giám sát thiết bị nhà máy (DCS); hệ thống thông tin SCADA/hotline kết nối với các trung tâm điều độ hệ thống điện AO/A3.
Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy, việc ứng dụng CNTT trong quá trình điều hành, vận hành và hoạt động của Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã được thực hiện đồng bộ trong tất cả các khâu. Tuy nhiên, đối với việc quản lý, truyền dữ liệu liên quan đến lưu lượng xả lũ, xả qua tràn còn thực hiện bằng thủ công. Qua đây, các thành viên trong đoàn đề nghị Công ty cần đầu tư hoàn thiện hệ thống nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong vận hành hạ tầng mạng lưới điện; trang bị thêm phương tiện và đa dạng các hình thức hệ thống cảnh báo xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa đã được quy định để cung cấp thông tin đến với người dân một cách nhanh nhất thay cho các hình thức thông báo trước đây.
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ đề nghị Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về ứng dụng, phát triển CNTT nên quan tâm xem xét, đánh giá tác động hoạt động của mình tới đời sống, sinh kế của người dân cũng như kinh tế-xã hội của các địa phương phía hạ du; làm sao phải đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của đơn vị và người dân.
Dịp này, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tiến hành khảo sát thực tế tại khu tái định canh của làng Groi rộng hơn 100 ha ở xã Sơ Pai (huyện Kbang). Đây là nơi được bố trí cho gần 100 hộ dân của làng Groi (thị trấn Kbang) có đất sản xuất trước đây thuộc vùng ngập của hồ chứa Ka Nak. Qua kiểm tra, đoàn đánh giá, sau khi được bố trí tái định canh, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, việc sản xuất của người dân đã dần đi vào ổn định, đảm bảo cuộc sống.
 NGỌC MINH - HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm