Dù chưa giải tỏa, đề bù cho dân di dời, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý, song thủy điện Plei Kần ở tỉnh Kon Tum (do Công ty Cổ phần Tấn Phát làm chủ đầu tư) lại tích nước trái phép khiến hơn 300ha nông sản của người dân chìm trong nước bạc. Mặc dù người dân đã nhiều lần làm đơn thư cầu cứu nhưng cơ quan chức năng vẫn chỉ đang xem xét kiểm tra, yêu cầu công ty thủy điện khắc phục thiệt hại.
Mủ caosu của gia đình ông Phạm Trung Thê (ở xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) chất đống, thối dưới gốc cây. Ảnh: THANH TUẤN |
Hơn 300ha nông sản bị ngập nước
Những ngày qua, hơn 60 hộ dân ở huyện Đăk Tô và thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi xót xa vì nhiều diện tích caosu, hồ tiêu, cà phê… bị nước dâng cao, làm hư hại. Ông Phạm Trung Thê - người dân trú xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô - cho biết, vào ngày 19.11, thủy điện Plei Kần lại tích nước.
Mực nước dâng cao trong đêm khiến hơn 20ha caosu và cà phê của ông bị ngập. “Caosu đến vụ mùa thu hoạch, gia đình tôi lấy mủ rồi chất đống, để thối dưới gốc cây. Cà phê chín đỏ rực đến thối trên cành mà không hái được vì đường vận chuyển nông sản không có. Thủy điện tích nước làm ngập con đường độc đáo dẫn vào rẫy cà phê, người nông dân chỉ biết khóc ròng nhìn nông sản héo úa, trôi theo con nước” - ông Thê bức xúc.
Gần vùng lòng hồ thủy điện Plei Kần, mặc dù thời tiết hanh nắng nhưng nước lênh láng và bùn non tràn vào nhà dân. Từ thôn làng đến nương rẫy như vừa bị trận lũ lớn quét qua. Kể từ khi thủy điện Plei Kần được xây dựng và đi vào vận hành thử nghiệm, người dân gánh chịu khổ cực đủ đường. Trong mưa bão, thủy điện tích nước gây ngập, hết bão vẫn tích lượng nước lớn khiến người nông dân trắng tay.
Bức xúc mà không làm được gì, nhiều hộ dân ở xã Đăk Rơ Nga đành chặt tre, kết lại thành bè lớn để di chuyển qua vùng ngập nước, đi tới rẫy. Nhưng chiếc bè tre mong manh khó chở được toàn bộ nông sản.
Anh Trần Trung Thảo (ở thị trấn Plei Kần) cho hay, nhiều tháng nay, kể từ khi nhà máy đi vào vận hành thử nghiệm, có khi người dân nửa đêm phải dọn đồ đạc đi chạy lũ. Đau lòng hơn là những rẫy cà phê, tiêu… là phương kế sinh nhai cũng bị mất trắng.
“Chúng tôi yêu cầu nhà máy dừng tích nước để người dân có thể đưa phân bón vào rẫy chăm sóc cho nhiều diện tích cây nông nghiệp đang chết dần nhưng không được. Người dân được hứa kiểm kê tài sản để bồi thường nhưng cũng chưa biết lúc nào mới nhận được” - anh Thảo nói.
UBND tỉnh yêu cầu xử lý
Thủy điện Plei Kần có công suất 17MW, được xây dựng trên địa phận của 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô. Trước việc thủy điện tự ý tích nước trái phép, ngày 5.11, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu sở, ngành chức năng vào cuộc kiểm tra. Trong đó, có việc đưa các hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty Tấn Phát chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn tính mạng và tài sản của người dân do việc tích nước trái phép gây ra.
Tiếp đó, ngày 20.11, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản yêu cầu đánh giá toàn diện việc đầu tư thủy điện Plei Kần. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Tô cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đầu tư, nhất là cao trình mực nước dâng tối đa cho phép, diện tích đất ảnh hưởng của dự án, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng so với toàn bộ phần diện tích ảnh hưởng của dự án, đánh giá tác động về môi trường dự án.
Nếu phát hiện có sai phạm thì báo cáo kịp thời để có hướng xử lý. Tỉnh Kon Tum yêu cầu công ty thủy điện sớm bồi thường thiệt hại cho người dân, nếu không sẽ báo cáo lên Bộ Công Thương yêu cầu không cấp giấy phép hoạt động điện lực.
THANH TUẤN (LĐO)