Kinh tế

Nông nghiệp

Tích cực chọn giống tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp người trồng cà phê có nguồn giống đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu tái canh năm 2017, các địa phương đã xây dựng vườn ươm hoặc hợp đồng mua cây giống, cấp giống.  

 Người dân chăm sóc diện tích cà phê mới tái canh. ảnh: L.N
Người dân chăm sóc diện tích cà phê mới tái canh. Ảnh: L.N

Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cây cà phê lớn trong cả nước với hơn 93.100 ha, tập trung tại các huyện: Đak Đoa 27.496 ha, Ia Grai 17.102 ha, Chư Prông 13.327 ha, Chư Sê 8.941 ha, Chư Pah 8.330 ha, Đức Cơ 5.339 ha. Hiện nay, nhiều diện tích cà phê đã già cỗi, năng suất thấp cần phải tái canh và ghép cải tạo.

Ngay từ đầu năm, các địa phương đã khẩn trương xây dựng vườn ươm để cung cấp giống đủ tiêu chuẩn cho người sản xuất hoặc ký kết hợp đồng với cơ sở gieo ươm tại địa phương có đủ điều kiện sản xuất cây giống để cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn, chất lượng cấp phát cho người dân trồng tái canh theo kế hoạch. Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, cho biết: “năm nay, huyện thực hiện tái canh và ghép cải tạo khoảng 500 ha. Trong đó, tái canh hoàn toàn khoảng 300 ha và ghép cải tạo khoảng 200 ha. Để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, Phòng thực hiện mua hạt giống từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để ươm khoảng 216.000 cây giống TRS1 và đã cấp hỗ trợ 100% cho những hộ thuộc vùng thực hiện nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 là 71.000 cây và hỗ trợ 50% cho những hộ ngoài vùng thực hiện nông thôn mới hoặc thực hiện ghép cải tạo là 145.000 cây”.

Tương tự, huyện Đức Cơ cũng đã cấp xong giống cà phê tái canh cho người dân. Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, cho hay: Năm nay, huyện đã cấp 110.000 cây giống cho người dân. Phía người dân thực hiện đối ứng với giá 1.000 đồng/cây. Ngoài ra, người dân trên địa bàn còn tự tổ chức gieo ươm hoặc mua cây giống tại những cơ sở ươm giống đảm bảo để trồng tái canh. Nhu cầu tái canh năm 2017 của huyện là khoảng 300 ha.

Một số địa phương khác như: Chư Pah, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh… không tổ chức gieo ươm nhưng đã chủ động hợp đồng với các cơ sở, công ty ươm giống để có nguồn giống cấp cho người dân trồng tái canh kịp thời vụ. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết: Huyện chuẩn bị kinh phí khoảng 800 triệu đồng đầu tư giống hỗ trợ cho người dân tái canh. Huyện không tự gieo ươm giống vì địa phương không có cơ sở, việc ươm giống không chuyên nghiệp, chất lượng sẽ không đảm bảo. Do đó, để cung cấp giống cho người dân, phòng hỗ trợ và hướng dẫn người dân mua giống tại các cơ sở ươm đảm bảo chất lượng và tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật tái canh cho bà con, đồng thời xây dựng một số mô hình trình diễn tái canh cà phê để bà con học tập. Chúng tôi vừa tổ chức cấp 170.000 cây cà phê giống TRS1 cho người dân tái canh. Hiện người dân đã nhận đủ giống và tái canh được khoảng 90% diện tích. Nhìn chung, năm nay, nguồn giống phục vụ tái canh cà phê đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Năm nay, để đảm bảo nguồn cây giống chất lượng phục vụ nhu cầu trồng tái canh của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Công thương, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về tình hình sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Về việc ban hành tiêu chí vườn ươm, quy trình chứng nhận vườn ươm và tiêu chuẩn cây giống xuất vườn của một số cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quy định tiêu chí cây cà phê vối đầu dòng, vườn cà phê vối đầu dòng, vườn sản xuất hạt lai cà phê vối đa dòng; tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận 1 vườn sản xuất cà phê vối đa dòng tại xã Chư Á (TP. Pleiku) và 6 vườn ươm giống cà phê đạt tiêu chuẩn tại huyện Chư Prông, Ia Grai và TP. Pleiku với quy mô gần 1,2 triệu cây/năm. Đồng thời, khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ tái canh và xuống giống xong trong tháng 7-2017.

 

Lâm Đồng: Phát hiện hơn 445 ngàn cây giống cà phê không đạt tiêu chuẩn xuất vườn


Sau hơn 3 tháng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra gần 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống cà phê trên địa bàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng kết luận 445.500 cây giống cà phê của 11 cơ sở vườn ươm không đạt tiêu chuẩn xuất vườn.


Các cơ sở này nằm tại các huyện: Bảo Lâm, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh và TP. Bảo Lộc. Cây giống cà phê  không đạt tiêu chuẩn xuất vườn theo quy định gồm cây giống không công bố tiêu chuẩn cơ sở và cây giống có mật độ tuyến trùng ký sinh trong đất, rễ vượt quy định.

 Lê Nam

Có thể bạn quan tâm