Kinh tế

Nông nghiệp

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi rất cao. Nguyên nhân do tỷ lệ được tiêm phòng thấp, trong khi các loại mầm bệnh lưu hành ở phạm vi rộng và tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.

Ngành chăn nuôi bị thiệt hại nặng

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác phòng-chống dịch bệnh trên động vật, thủy sản năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo Cục Thú y, năm 2021, cả nước có hơn 515 triệu con gia cầm, 28 triệu con heo và 6,5 triệu con bò; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 6,7 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt khoảng 17,5 tỷ quả. Trong năm 2021, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng-chống dịch bệnh đối với động vật trên cạn, thủy sản. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn xảy ra trên đàn vật nuôi, gây tổn thất cho nền kinh tế. Cụ thể, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 84 huyện (33 tỉnh, thành phố), buộc tiêu hủy hơn 457 ngàn con (tăng 1,6 lần so với năm 2020); bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 3.154 xã của 409 huyện (60 tỉnh, thành phố), buộc tiêu hủy 288.668 con (tăng 3,2 lần so với năm 2020); bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 89 xã của 47 huyện (18 tỉnh, thành phố), với 3.407 con mắc bệnh, tiêu hủy 349 con; bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xảy ra 4.349 xã (55 tỉnh, thành phố), với 207.687 con mắc bệnh, tiêu hủy 29.182 con. Ngoài ra, cả nước có 53 người tử vong vì bệnh dại… Để triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT xuất cấp 501.300 lít hóa chất sát trùng phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho 32 tỉnh, thành phố; 511 tấn hóa chất sát trùng phòng-chống dịch bệnh thủy sản cho 15 tỉnh, thành phố; hỗ trợ 150.000 liều vắc xin lở mồm long móng và 60.000 liều vắc xin type O cho 5 tỉnh.

  Nhân viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò của người dân. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhân viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò của người dân. Ảnh: Nguyễn Diệp


Tại Gia Lai, năm 2021 có hơn 14.400 con trâu, 434.170 con bò, 462.000 con heo, 4 triệu con gia cầm; tổng diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản khoảng 15.390 ha. Trong năm, trên địa bàn xuất hiện một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: bệnh viêm da nổi cục làm 20.710 con mắc bệnh, 2.390 con chết tiêu hủy; bệnh dịch tả heo châu Phi làm 1.106 con mắc bệnh. Trong năm qua, các ngành, địa phương đã tổ chức tiêm khoảng 7,5 triệu liều vắc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm

Theo Cục Thú y, trong năm 2022, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện trên đàn vật nuôi là rất cao. Riêng từ đầu năm đến nay, bệnh cúm gia cầm phát sinh 4 ổ dịch tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, TP. Hà Nội với 13.600 con chết; bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 321 xã (36 tỉnh, thành phố), buộc tiêu hủy 19.628 con; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 17 xã (2 tỉnh, thành phố) làm 15 con trâu, bò mắc bệnh.

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản. Theo kế hoạch, trong năm 2022, toàn tỉnh tổ chức tiêm 649.450 liều vắc xin lở mồm long móng; 278.357 liều vắc xin viêm da nổi cục; 221.875 liều vắc xin tụ huyết trùng; 362.580 liều vắc xin tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả heo; 23.280 liều vắc xin dại chó, mèo và sử dụng hơn 17.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến: Diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi và thủy sản ngày càng phức tạp, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các ngành liên quan và địa phương tiếp tục bố trí nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng-chống dịch bệnh trên động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp; chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Tăng cường quản lý, xây dựng, phát triển, nghiên cứu các loại thuốc, vắc xin để phòng-chống dịch bệnh; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

 

 LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm