Cao tốc Bắc-Nam phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý 4/2020 và Bộ Giao thông Vận tải sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư dự án.
Thi công nền đường trên tuyến cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, đoạn tuyến đầu tiên trong tổng số 11 dự án thành phần xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Công tác giải ngân vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam luôn được Bộ Giao thông Vận tải chú trọng và theo dõi sát sao nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2018, các dự án đã giải ngân hơn 142 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 100% kế hoạch. Năm 2019, kế hoạch vốn được giao hơn 7.481 tỷ đồng, giải ngân hơn 6.856 tỷ đồng, đạt 91,64%, còn lại hơn 625 tỷ đồng kéo dài sang năm 2020.
Trong năm 2020, tổng vốn được giao cho các dự án cao tốc Bắc-Nam là gần 9.368 tỷ đồng gồm hơn 8.742 tỷ đồng vố kế hoạch năm 2020 và hơn 625 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020.
“Tính đến ngày 25/9, các dự án đã giải ngân hơn 6.717 tỷ đồng, đạt gần 72% tổng số vốn được giao. Dự kiến năm 2021, các dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ giải ngân thêm khoảng 15.038 tỷ đồng," Bộ trưởng Thể cho hay.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, các địa phương, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 595/654 km (đạt khoảng 91%). Riêng với một số đoạn phải di dời công trình hạ tầng phức tạp phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý 4/2020.
"Các địa phương nơi dự án đi qua đã hoàn thành xây dựng 49/108 khu tái định cư; đang triển khai thi công 50 khu tái định cư; còn lại 9 khu tái định cư đang phê duyệt thiết kế và lựa chọn nhà thầu thi công; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn bộ các khu tái định cư trong quý 4/2020," Bộ trưởng Thể thông tin.
Theo đại diện Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ Giao thông Vận tải), một số đoạn đã có mặt bằng nhưng bị xen kẹt vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời; mặt bằng được bàn giao không liên tục cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai thi công của nhà thầu.
“Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm công tác xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp còn các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần thống kê cụ thể, báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và đăng ký với các địa phương để tổ chức họp tháo gỡ,” đại diện Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình nói.
Được biết, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam dài 654km, đi qua 13 tỉnh gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, số hộ tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và bố trí 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Tiếp đến, ngày 19/6/2020, tại Nghị quyết 117, Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây. Quốc hội bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho dự án. |
Việt Hùng (Vietnam+)