Văn hóa

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương diễn ra vào tháng 2-1943, bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã được thông qua. Sau 80 năm, văn kiện được xem là tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng vẫn mang giá trị lịch sử to lớn và sâu sắc.

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa-văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp-Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân. Đề cương chỉ ra những nguy cơ đến từ chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp-Nhật và tay sai của chúng; trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc… cùng tính chất phản động trong chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Mặt khác, đề cương đã trang bị những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa-tư tưởng, vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức cùng tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cụ thể, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã nêu rõ thái độ của Đảng đối với vấn đề văn hóa: “Mặt trận văn hóa là 1 trong 3 mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động; không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. Đề cương cũng nhấn mạnh 3 nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này gồm: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa để văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hóa (chống lại mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa quần chúng); khoa học hóa (chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Người dân tham quan góc trưng bày “Đề cương về văn hóa Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Người dân tham quan góc trưng bày “Đề cương về văn hóa Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Hải Nguyễn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Bác có một câu nói được xem là kim chỉ nam trong định hướng phát triển văn hóa dân tộc: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tiếp đó, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra năm 1948 khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần quan trọng… Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”. Bác cũng từng ân cần căn dặn: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”.

Tháng 11-2021, thêm một sự kiện khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với lĩnh vực trọng yếu này, đó là Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa-văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa-văn nghệ giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Trong diễn văn khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Nêu bật quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, Tổng Bí thư yêu cầu khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa.

Vài nét điểm xuyết nêu trên đã chứng minh vai trò, tầm quan trọng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong việc đặt nền móng vững chắc nhằm kiến tạo nền văn hóa nước nhà trong suốt 80 năm qua. Với mục tiêu tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của văn kiện này, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” với những nội dung phong phú, thu hút.

Nhằm phối hợp tổ chức, UBND tỉnh vừa có công văn dự thảo các hoạt động kỷ niệm. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động cuộc thi tìm hiểu 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2-2023 cùng các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng; triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về thành tựu văn hóa Gia Lai qua các thời kỳ. Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng, UBND tỉnh cũng đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật phát động hội viên tăng cường sáng tác những tác phẩm hướng đến kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, trong đó, nêu bật đặc trưng văn hóa tỉnh nhà. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, tổ chức sinh hoạt, tọa đàm, giao lưu chủ đề 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” cũng như vai trò của văn hóa trong sự phát triển của xã hội. Thời gian thực hiện tập trung từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3-2023. Từ đây, những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh nhà một lần nữa được nêu bật, khẳng định sự tiếp nối, đồng hành và phát triển cùng văn hóa dân tộc.

“Ở đâu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa thì hệ lụy sẽ khôn lường. Không phải chỉ kinh tế không phát triển được mà xã hội sẽ lâm vào khủng hoảng, suy đồi”-đây là quan điểm nhất quán của UNESCO về vai trò của văn hóa ở mọi quốc gia. Điều này càng khẳng định giá trị lịch sử trường tồn cũng như tính thời đại của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong định hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước những thách thức của quá trình hội nhập.

Có thể bạn quan tâm