Thời sự - Sự kiện

Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh “bén đất” Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong hành trình tìm kiếm địa điểm phù hợp với chiến lược sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã chọn tỉnh Gia Lai với nhiều kỳ vọng ở tương lai.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Nhớ về ngày đầu đến các tỉnh Tây Nguyên tìm địa điểm để mở chi nhánh, ông Lê Văn Tuyến-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ (TP. Thủ Đức) kể: Khu vực Tây Nguyên sở hữu những điều kiện phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty, đặc biệt là xây dựng các trung tâm cây giống chanh dây. Do đó, Công ty đã cử nhiều đoàn đi khảo sát và nhờ bạn bè hỗ trợ tìm kiếm vị trí phù hợp. Sau một thời gian, Công ty tìm được lô đất rộng hơn 12 ha tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh.

Sản xuất giống chanh dây tại Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh). Ảnh: T.D

Sản xuất giống chanh dây tại Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh). Ảnh: T.D

“Tháng 5-2021, Công ty khởi công xây dựng trung tâm cây giống, thuê công ty ở Nhật Bản thi công hệ thống nhà lồng. Cuối năm 2021, Trung tâm đưa vào vận hành giai đoạn 1 và hoàn thành dự án xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng vào cuối năm 2023 với chi phí đầu tư trên 100 tỷ đồng. Quá trình làm các thủ tục cấp phép đầu tư và triển khai thi công xây dựng, Công ty được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, nguồn nhân công lao động ở đây cũng dồi dào”-ông Tuyến cho biết.

Tương tự, ông Lương Tiến Việt-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cà phê đặc sản Đak Tơ Ver Việt Nam-chia sẻ: “Chúng tôi đã có 1 công ty chuyên về thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thị trường và theo chiến lược kinh doanh, chúng tôi quyết định đầu tư hơn 28 tỷ đồng để thành lập thêm 1 công ty tại xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh. Nơi này giao thông thuận tiện, cách xa khu dân cư, đảm bảo các quy định về môi trường trong sản xuất kinh doanh lại gần với vùng nguyên liệu ở tỉnh Kon Tum. Niên vụ cà phê 2023-2024, Công ty đạt sản lượng hơn 500 tấn hạt. Đây là tín hiệu vui trong thời kỳ khởi đầu”.

Còn ông Nguyễn Chất Sâm-Giám đốc Công ty TNHH Farmstay Sâm Phát Ia Ly thì cho hay: 10 năm trước, ông thành lập Công ty TNHH một thành viên Sâm Phát tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2018, ông mua thêm khu đất rộng 15 ha ở thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) với mục đích trồng các loại cây ăn quả làm nguyên liệu phục vụ chế biến tại TP. Hồ Chí Minh. Sau này, nhận thấy tiềm năng du lịch của Gia Lai, ông quyết định cải tạo khu vườn trồng cây ăn quả theo hướng du lịch sinh thái. Điều kiện khí hậu mát mẻ với nhiều thắng cảnh đẹp đã thu hút không ít khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng lãm. Hiện tại, ngoài khách trong tỉnh thì Farmstay Sâm Phát Ia Ly đang là một trong những lựa chọn yêu thích của du khách khi đến Gia Lai.

Công ty TNHH Farmstay Sâm Phát Ia Ly thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương. Ảnh: Thiên Di

Công ty TNHH Farmstay Sâm Phát Ia Ly thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương. Ảnh: Thiên Di

Tiềm năng phát triển

Theo ông Lê Văn Tuyến-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ: Theo quy hoạch, đến năm 2025, Gia Lai có diện tích chanh dây khoảng 25 ngàn ha, trong khi đó, năng lực sản xuất tại Trung tâm cây giống của Công ty là 25 triệu cây/năm. Như vậy, Công ty sẽ đủ cây giống đáp ứng thị trường Gia Lai. Đặc biệt là tại Gia Lai đã có 1-2 công ty chế biến quả chanh dây làm thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi mở ra cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp về kinh doanh chanh dây.

Ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã Ia Phang-thông tin: Những năm qua, Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn với thu nhập 230 ngàn đồng/người/ngày. Mặt khác, Công ty còn quan tâm tới công tác an sinh xã hội trên địa bàn đứng chân. Hàng năm, đơn vị hỗ trợ kinh phí cũng như tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Chế biến hạt cà phê sau thu hoạch tại Công ty cổ phần cà phê đặc sản Đak Tơ Ver Việt Nam. Ảnh: Thiên Di

Chế biến hạt cà phê sau thu hoạch tại Công ty cổ phần cà phê đặc sản Đak Tơ Ver Việt Nam. Ảnh: Thiên Di

Còn theo ông Cao Phi Văn-Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver: Qua kêu gọi đầu tư, năm vừa rồi, Công ty cổ phần Cà phê đặc sản Đak Tơ Ver Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để chế biến cà phê. Sự có mặt của Công ty sẽ tạo việc làm cho người dân trong xã. Theo tìm hiểu, tùy theo thời điểm mà có từ 10 đến 100 lao động tham gia sản xuất tại Công ty với mức lương khoảng 5-15 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến nay, Gia Lai đã thu hút được 8 nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh quan tâm nghiên cứu 9 dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 5.000 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực đầu tư: xây dựng cơ sở hạ tầng; du lịch, sinh thái; nông-lâm nghiệp. Trong 3 năm (2022-2024), trên địa bàn tỉnh có 72 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có một số dự án của doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh. Đơn cử là Dự án Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH Hóa nhựa Đông Dương với tổng vốn đầu tư 84,5 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-nhấn mạnh: Các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh khi đầu tư vào Gia Lai đã giải quyết việc làm cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. “Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng lại quy trình thu hút đầu tư, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực.

Bên cạnh đó, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành dự án; theo dõi tiến độ thực hiện, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư trọng điểm; tập trung rà soát và đăng ký danh mục dự án đầu tư mới. Đồng thời, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước”-ông Hòa cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm