Sau Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô (Nghị định 116) có hiệu lực, lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đang chiếm ưu thế so với ôtô nhập khẩu.
Xe lắp ráp phát triển cả lượng và chất
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ đánh giá về thị trường ôtô Việt Nam sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 30/6/2019 đã cấp 36 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ôtô cho 29 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ôtô trong nước và có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn đã thay đổi đáng kể theo hướng tích cực, từ tỷ lệ 2,5 lần năm 2017 tăng lên thành 3,72 lần trong năm 2018. Nhưng trong những tháng vừa qua của năm 2019, tỷ lệ này lại có sự thay đổi khác biệt theo hướng giảm dần.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước bước đầu khẳng định vai trò
Tại buổi làm việc với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đầu tháng 8/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Nghị định 116 đã tạo sự khởi sắc cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, lần đầu có thương hiệu ôtô Việt. Bên cạnh đó, Nghị định còn tạo dung lượng thị trường tốt, tập trung cho doanh nghiệp làm khối lượng lớn, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.
Tập trung giải pháp dài hạn
Để "tiếp sức" cho ngành ôtô trong nước, Bộ Công Thương đề xuất duy trì thực hiện Nghị định 116, nhằm quản lý nhập khẩu ôtô hợp lý và phát triển ngành ôtô trong nước.
Về dài hạn, cần có chính sách thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng (không thực hiện hoàn thuế theo phương thức khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định...; không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ôtô; điều chỉnh "nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe áp dụng ở mức hợp lý"; điều chỉnh theo nguyên tắc thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế ở từng hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn trình lên một loạt ưu đãi đối với dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô 50 nghìn xe/năm, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ - hộp số.
Bộ Công Thương đề xuất tập trung xây dựng chính sách ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ trở thành các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế. |
Lan Anh (Công Thương)