Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Vương Đình Huệ-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu OCOP (iOCOP) được tổ chức vào sáng 17-4 tại TP. Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Q.T
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong nước; đại diện cơ quan triển khai Chương trình OCOP của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ và đông đảo khách quốc tế.
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Báo cáo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, từ Chương trình mỗi làng một sản phẩm (OVOP) được Việt Nam tiếp nhận và triển khai từ năm 2006 với Đề án mỗi làng một nghề, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai và thu được những kết quả rất khả quan. Đến cuối năm 2017, theo tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố, vùng nông thôn của cả nước hiện có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh) tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm: nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm đồ uống 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược 231 sản phẩm; nhóm vải và may mặc 186 sản phẩm; nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí 580 sản phẩm; nhóm dịch vụ-du lịch nông thôn 201 sản phẩm. Qua phân tích, đánh giá cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa, thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (thứ hai từ phải sang) cùng đại biểu tham quan các gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Q.T
Trên cơ sở kết quả đó, ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện; góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả 63/63 tỉnh, thành phố đã đăng ký xây dựng đề án triển khai cấp tỉnh và đã có 42 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án triển khai cấp tỉnh. Nhiều địa phương đã phê duyệt các chính sách riêng để triển khai; nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường; một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Cả nước đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập mới và chuỗi giá trị sản xuất nông sản ở các địa phương được nâng cao. Nhờ đó, đời sống nông dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 40 triệu đồng (tăng gần 4 lần so với năm 2008); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 12,2% năm 2008 xuống còn 6,45% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Những kết quả quan trọng trên đã góp phần đạt mục tiêu quan trọng về xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 3-2019, cả nước có 66 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 4.207 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 47,19%). Dự kiến đến cuối năm 2019, cả nước sẽ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 1 năm so với kế hoạch đề ra)…
Chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội kinh doanh
Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu OCOP được tổ chức với mục đích tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước đang triển khai OVOP hoặc OCOP, thúc đẩy phong trào OVOP/OCOP trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng là dịp để chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực và thương mại, quảng bá chương trình OCOP Việt Nam trên toàn cầu; quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Việt Nam tới bạn bè quốc tế cũng như giữa các địa phương trên cả nước.
Phát biểu thảo luận tại diễn đàn, TS. Morihiko Hiramatsu-Chủ tịch danh dự Ủy ban trao đổi OVOP quốc tế-chia sẻ: “Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong thực hiện chương trình OVOP từ năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita. Đây được xác định là cách thức đưa nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của đất nước. Chương trình OCOP được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chính: “Từ địa phương tiến ra toàn cầu”, “Tự tin-sáng tạo” và “Tập trung phát triển nguồn lực”. Sản phẩm OCOP được chúng tôi xác định ngay từ đầu là không những phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong nước mà còn để cạnh tranh với sản phẩm của các nước trên thị trường thế giới. Do đó, chất lượng nông sản phải không ngừng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nông dân chúng tôi không những được đào tạo bài bản, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, ứng dụng thành thạo những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà còn được cung cấp những kiến thức về kinh doanh để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình…”.
Còn ông Somvixay Vongthirath-Giám đốc bộ phận Phát triển Sản phẩm (Bộ Công thương Lào) cho biết: “Chúng tôi vận động, tuyên truyền người dân tham gia vào các tổ sản xuất theo từng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Đồng thời, tìm hiểu, phân tích ưu-nhược điểm của từng sản phẩm, từ đó có chính sách quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường qua các sự kiện như hội chợ…; có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tài chính để đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dân, từ đó không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (ở giữa) cùng đại biểu tham quan các gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Q.T
Tại diễn đàn, đại diện cơ quan triển khai chương trình OCOP của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ cũng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về cơ chế, kế hoạch thực hiện mạng lưới hợp tác OCOP toàn cầu; giải pháp phát triển 6 nhóm sản phẩm OCOP; giải pháp huy động nguồn lực, tài chính triển khai OCOP; phát triển du lịch, dịch vụ liên kết; giao lưu văn hóa giữa các quốc gia… Ngoài ra, nằm trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã tổ chức Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019 nhằm quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng tiêu biểu, thiết kế mới của các làng nghề ở Việt Nam; tạo cơ hội để các doanh nghiệp trưng bày, trình diễn các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo, bản sắc riêng của mình. Đây cũng là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, tạo điểm nhấn góp phần quảng bá, thu hút người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước, nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm của doanh nghiệp, làng nghề nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Qua đó tạo cơ hội để du khách quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối trong và ngoài nước tiếp cận các sản phẩm mang thương hiệu OCOP Việt Nam, tạo dựng sự kết nối giao thương giữa các địa phương trên cả nước với các quốc gia tham dự để sản phẩm của Việt Nam ngày càng đến được nhiều hơn với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Để sớm phát huy những ưu thế rõ nét của OCOP đối với phát triển kinh tế ở nông thôn trong điều kiện đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, khắc phục hạn chế quy mô sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn nhỏ lẻ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các hộ sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, vận động và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích để ứng dụng các giải pháp về khoa học và công nghệ; huy động nguồn lực và xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ và hợp tác quốc tế để thực hiện chương trình OCOP hiệu quả; đẩy mạnh công tác truyền thông cho chương trình, khẳng định chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, để làm tốt kết nối quốc tế thì Việt Nam cần làm tốt hơn kết nối quốc gia. “Do đó, tôi giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành chức năng tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình bằng những hành động, công việc, đề án, chương trình hết sức cụ thể. Tổ chức diễn đàn kết nối, hội chợ triển lãm định kỳ và thường niên ở cấp địa phương, cấp vùng cũng như cấp quốc gia. Đặc biệt, tôi giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT hàng năm định kỳ tổ chức Diễn đàn kết nối quốc gia và Hội chợ triển lãm quốc tế về sản phẩm OCOP. Muốn tổ chức được những diễn đàn có tính chất quốc gia này thì trước hết chúng ta phải tổ chức tốt những hội chợ, diễn đàn có tính chất vùng, địa phương”-Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn, sau khi đã hình thành mạng lưới OCOP toàn cầu, có thể định kỳ tổ chức luân phiên diễn đàn và hội chợ này tại các nước thành viên đang tham gia. Phó Thủ tướng hy vọng mạng lưới này sẽ không chỉ là 12 nước thành viên như hiện nay mà có thể bao phủ hầu hết các nước đang triển khai chương trình OCOP vì sự phát triển của người dân ở khu vực nông thôn và sự thịnh vượng của các quốc gia, vùng lãnh thổ…
 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm