Kinh tế

Giá cả thị trường

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 hướng đến việc kêu gọi sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương.

* P.V: Đề nghị ông cho biết những nội dung chính trong việc triển khai chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2022?

 

 Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Vũ Thảo
Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Vũ Thảo

- Ông PHẠM VĂN BINH: Năm nay, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26-5-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27-10-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2306/QĐ-BCT ngày 13-10-2021 của Bộ Công thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công thương triển khai Quyết định số 1157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 1617/KH-UBND ngày 22-10-2021 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025. Qua đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao ý thức trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp việc tuyên truyền đến các nhà sản xuất kinh doanh nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền đến người tiêu dùng các quyền và nghĩa vụ để họ chủ động bảo vệ mình, báo ngay với cơ quan chức năng khi quyền lợi bị xâm hại và sẵn sàng phối hợp để giải quyết vụ việc.

 Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo


Trong công tác phối hợp thực hiện, Sở Công thương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện truyền thông, treo băng rôn, cờ phướn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các trục đường chính. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức hội nghị phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

* P.V: Năm nay, chủ đề các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Vậy Sở Công thương sẽ tập trung vào những hoạt động nào để bảo đảm hiệu quả, thưa ông?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 được tổ chức nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh. Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2022, trong đó tập trung vào tháng có Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam (15-3) và các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như Tết, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường.

Về nội dung thực hiện, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.

Dựa trên Kế hoạch số 4073/KH-BCT ngày 9-7-2021 của Bộ Công thương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền những nội dung như: tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới; tiêu dùng an toàn trên nền tảng trực tuyến; tiêu dùng an toàn để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội; thông tin cá nhân là tài sản quan trọng của người tiêu dùng; xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến minh bạch, công bằng và an toàn cho người tiêu dùng; tiêu dùng thời kỳ số: đúng lúc và đúng chỗ; tiêu dùng qua mạng-mua hàng chính hãng; không sản xuất và tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường…

Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động hưởng ứng cần tính đến diễn biến của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho những người tham gia, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển các phương thức, thói quen, kỹ năng kinh doanh, tiêu dùng phù hợp với trạng thái bình thường mới.

Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy


* P.V: Trên thực tế, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Hiện nay, quyền của người tiêu dùng đã được pháp luật đảm bảo đầy đủ, rõ ràng và cụ thể. Người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, giá cả đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả, chúng tôi tiếp tục khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân tích cực phản ánh, thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng đang lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng; tư vấn để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ hoặc hỗ trợ người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng và bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ giải quyết tranh chấp qua phương thức thương lượng, hòa giải. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Đẩy mạnh các hoạt động phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm, đánh giá đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, đấu tranh phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh.

 

* P.V: Xin cảm ơn ông!

VŨ THẢO (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm