Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tiểu thuyết "Tình không biên giới": Một góc khác của chiến tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đây là một câu chuyện viết về chiến tranh, mà trong đó, nổi bật là tình đồng đội, đồng chí, tình bạn bè, tình quân dân, tình hữu nghị quốc tế...
 

Tiểu thuyết
Tiểu thuyết "Tình không biên giới"


Tưởng chừng là một cuốn tiểu thuyết nói về tình yêu trai gái như cách nghĩ thông thường của mọi người, nhưng “Tình không biên giới”, dài gần 300 trang của nhà văn nữ Kim Quyên, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2017, lại là một câu chuyện viết về chiến tranh, mà trong đó, nổi bật là tình đồng đội, đồng chí, tình bạn bè, tình quân dân, tình hữu nghị quốc tế…, tình yêu trai gái thuần túy chỉ như một chút gia vị cho lãng mạn câu chuyện.

Có lẽ trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, và chiến tranh biên giới Tây Nam- phía Bắc, gần như hầu hết chỉ viết về các cuộc chiến, các trận đánh, các chiến dịch lớn nhỏ…, viết về người lính,  hiếm thấy cuốn tiều thuyết nào nói về một công việc tưởng chừng chẳng liên quan gì đến chiến tranh, nhưng lại nếm trải đủ mùi của chiến tranh: Nghề dạy học- nghề đào tạo những “kỹ sư tâm hồn”.

“Tình không biên giới”, có thể nói như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về cái nghề hiền hòa này, cái nghề của tương lai, nghề “trồng người” tạo “nguyên khí quốc gia”, nhưng không phải trong một khung cảnh hòa bình, nên thơ, yên bình, mà trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang diễn ra rất ác liệt, tàn khốc, đầy thử thách một mất một còn thời kỳ sau chiến dịch Mậu Thân 1968- 1969.

“Tình không biên giới” kể câu chuyện xung quanh việc học tập, sinh hoạt, chiến đấu của những giáo sinh một trường Sư phạm thuộc khu 8 miền Tây Nam Bộ trên vùng đất Campuchia. Do yêu cầu bào toàn lực lượng khi Mỹ và quân đội Sài Gòn liên tục thực hiện các trận càn “trắng” đầy khốc liệt nhiều cở sở, căn cứ hậu cần của ta sau chiến dịch Mậu Thân 1968, nước bạn Campuchia đã cho “mượn” đất để ta tạm trú, củng cố lại lực lượng..

Và đây là câu chuyện xúc động, nhân văn của những người giáo viên tương lai về tình người, tình bạn, tình đồng đội đồng chí, tình quân dân, tình hữu nghị của hai dân tộc Việt Nam- Campuchia trong cuộc chiến có chung kẻ thù đế quốc Mỹ.

Những cô giáo, thầy giáo tương lai trước khi sang được đất bạn, đã phải đối diện với những khốc liệt của cuộc chiến, và ngay cả khi di chuyển để đến được biên giới Campuchia, họ đã trải qua nhiều gian khổ, nhiều nỗi đau mất mát hy sinh… Chính vì thế, có được một người thầy giáo, cô giáo trong chiến tranh, là một điều thật phi thường.

Ngay từ những trang đầu của tiểu thuyết “Tình không biên giới”, không khí chiến tranh đã khét mùi bom đạn, tanh mùi máu người, đã cảm thấy thót tim khi những giáo sinh đang vượt qua những cánh đồng “chó ngáp”, “đụng” ngay trận càn bằng trực thăng của Mỹ thiếu điều muốn lật tung từng gốc tràm, găm từng viên đạn vào tim những giáo sinh nhỏ bé, mà trong đó có Thơm, một nữ sinh trong thành phố tình nguyện theo cách mạng, chấp nhận hy sinh gian khổ, để học làm một cô giáo cách mạng.

Thơm trong “Tình không biên giới” (có thể xem gần như nguyên mẫu tác giả- nhà văn Kim Quyên”), là một trong những nhân vật trung tâm xuyên suốt câu chuyện. Mỗi một sự kiện, một tình huống hay những việc xảy ra ở nơi khu rừng biên giới Việt Nam- Campuchia đều có cô tham dự như đại diện.

 

 Nhà văn Kim Quyên.
Nhà văn Kim Quyên.


Thơm như biểu tượng của sự trong sáng, kiên trung, dũng cảm, thông minh, tài năng, cần cù, chịu khó, lạc quan, nhiều chân tình thương yêu của những giáo sinh trong ngôi trường sư phạm đặc biệt này.

Có thể hay khóc mỗi khi gặp chuyện buồn, nhưng lại rất mạnh mẽ khi đối diện với những gian khổ tưởng chừng vượt ngưỡng chịu đựng của con người. Có thể mơ mộng những chuyện “trời ơi” như một món ăn ngon, nhưng lại sẵn sàng nhường cho nhau những gì tốt nhất, đẹp nhất, giành phần mình thiệt thòi trong niềm vui. Có thể vừa đối diện với sự mất mát hy sinh đau buồn, đã ngay lập tức bình tâm, tỉnh trí để tập trung vào nhiệm vụ học tập…

Không chỉ có tình thương yêu đồng đội, đồng chí, bạn bè thân thiết, mà còn là nghĩa tình với đồng bào Khmer Việt, đồng bào Khmer Campuchia. Đặc biệt tình cảm với đồng bào Khmer Campuchia hơn cả tình hữu nghị đơn thuần, không hẳn là mang ơn như đối với “ân nhân” cưu mang, mà thiêng liêng như tình anh em ruột thịt một nhà.

Som Bách, người thầy giáo Campuchia mang nửa dòng máu Việt, nhân vật trung tâm thứ hai trong Tình không biên giới, là một trí thức Campuchia nhiều tài năng, nhiệt tình, có tấm chân tình nồng hậu với bạn bè Việt Nam, anh như tượng trưng một sợi dây tình nối tình cảm của hai dân tộc Việt Nam- Campuchia với nhau.

Tình yêu của Som Bách với Thơm, dù chỉ là ánh mắt, là cảm xúc lâng lâng trong tim, là sự tương tư thầm kín, nhưng là sự ngưỡng mộ,  nể trọng vì tài, yêu thương vì nết na, cảm phục vì tính cách nhân hậu…

Mối tình của Som Bách với Thơm, cho dù chỉ mơ hồ qua những lời đối thoại, qua những bức thư, qua sự giúp nhau trong học tập, giảng dạy và sinh hoạt, nhưng thấy rõ chân tình nồng hậu, là một tình yêu trong sáng đến trong veo, không gợn chút gì. Chính tình yêu thầm của đôi trai gái Thơm- Som Bách trong hoàn cảnh khói lửa chiến tranh, giống như một bản tình ca ngọt ngào.

Điều thú vị trong “Tình không biên giới” ngoài những trang viết về sinh hoạt của những giáo sinh trong chiến tranh, là mối tình Việt Nam- Campuchia, mà còn những trang viết như nét chấm phá về văn hóa của người Kh’Mer Nam Bộ, người Kh’Mer Campuchia.

Từ những dòng chữ Kh’Mer đơn giản nhưng lạ lẫm đến những phong tục khác lạ với người Việt trong Tết Oc Om Boc, Chon Chnam Thmay… Những trang viết này đã tạo không khí sinh động, như một cách cân bằng sự căng thẳng đến nghiệt ngã của cuộc chiến tranh hủy diệt.

Chương cuối cùng của “Tình không biên giới”, có một chút chùng xuống đến lặng ngắt, đắng đót đến tê người… Trong cơn mê loạn của Som Bách, cả một bi kịch đất nước Campuchia suýt bị biến thành “cánh đồng chết” bởi Khmer Đỏ như những thước phim kinh hoàng đánh mạnh vào lương tri nhân loại…

Và cuộc giải cứu ngoạn mục của người anh em Việt Nam, như một khẳng định sắt son về tình hữu nghị của hai dân tộc keo sơn gắn bó, mà đại diện là Thơm- Som Bách…

“Tình không biên giới”, không chỉ cho bạn đọc hôm nay cái nhìn về một góc khác của chiến tranh, mà ở khía cạnh khác, qua tiểu thuyết này, có thể thấy ý nghĩa lớn hơn trong chiến lược tương lai “trồng người” của cách mạng Việt Nam.

Ngay trong khi cuộc chiến tranh còn rất ác liệt, chưa định được ngày chiến thắng, ngày hòa bình, nhưng lãnh đạo cách mạng đã chăm lo cho việc giáo dục, đào tạo “nguyên khí” cho đất nước.

Đây có thể nói là một thành công trong nội dung “Tình không biên giới” của nhà văn Kim Quyên.

“Tình không biên giới” là một tiểu thuyết không có những yếu tố câu khách thời thượng trong nội dung như các mâu thuẫn xung đột tình cảm có kịch tính cao, hay trong cấu trúc các chương có tính kỹ thuật đánh đố độc giả, nhưng lại khá hấp dẫn để đọc liền một mạch từ đầu đến cuối bởi cách kể chân phương, giản dị, gần gũi.

Cho dù là một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, có nhiều trang viết về sự tàn khốc của cuộc chiến, nhưng tổng thể vẫn thấy rất “nữ tính”, trong khi miêu tả những sự kiện có tính hành động (action) vẫn thấp thoáng sự dịu dàng mềm mại, trong những tình huống đối diện cái ác, cái tàn nhẫn vẫn có sự nhân hậu khoan dung, và đôi chỗ có chút hài hước…

Và đây cũng chính là phong cách văn chương của nhà văn nữ Kim Quyên cuốn hút độc giả.

Theo VOV

Nhà văn Kim Quyên, năm 1953, quê quán: Cái Bè, Tiền Giang. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 
Tác phẩm và giải thưởng:

- Nụ hôn đắng (tiểu thuyết, NXB Tiền Giang 1991)

- Nước rút (tập truyện ngắn, NXB Trẻ 1996)

- Người dưng khác xứ (tập truyện ngắn NXB Văn Nghệ 2004)

- Món ăn khoái khẩu Nam bộ (tạp văn, NXB Văn Nghệ 2004)

- Ngã ba sông (tập thơ, NXB Văn Nghệ 2006)

- Đi biển một mình (tập truyện ngắn, NXB Văn Hoá Văn Nghệ 2015)

- Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2005.

- Giải thưởng bút ký của Hội Nhà văn Việt Nam 2008.

- Giải B thơ cuộc thi sáng tác của Tập đoàn Cao su Việt Nam 2013.

Có thể bạn quan tâm