Kinh tế

Giá cả thị trường

Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lần đầu tiên, Bộ Công thương tổ chức hội nghị để hỗ trợ tạo cơ hội đưa các sản phẩm, đặc sản của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào hệ thống các sân bay, siêu thị, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc... qua đó tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn. Đó là sự cố gắng đáng biểu dương của Bộ Công thương trong sứ mạng tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP. OCOP là chương trình mang tầm quốc gia nhằm xây dựng, phát triển những đặc sản, những sản phẩm có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường từ tất cả các xã, phường trong cả nước. Chương trình này phát động từ bên trên, nhưng hình thành, thực hiện và thành công phải từ các đơn vị cấp xã trong toàn quốc.
Hội chợ triển lãm OCOP giúp người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa đặc trưng của địa phương với chất lượng tốt. Ảnh: Vũ Thảo
Hội chợ triển lãm OCOP giúp người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa đặc trưng của địa phương với chất lượng tốt. Ảnh: Vũ Thảo
Nhưng một khi tất cả các cơ sở đã vào cuộc, đã có những sản phẩm khá thu hút và độc đáo thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm lại được đặt ra một cách bức xúc. Nếu không bán được hàng, không đưa được hàng tới tận tay người tiêu dùng thì coi như chương trình thất bại, dù sản phẩm đã có và rất đa dạng.
Nhìn 45 sản phẩm OCOP của Gia Lai được tuyển chọn lên cấp tỉnh mới thấy sự phong phú và hấp dẫn của chúng. Những sản phẩm này được tạo ra từ các đặc sản sẵn có của địa phương, từ những sáng tạo của các hộ sản xuất, từ các doanh nghiệp nhỏ, từ các start-up đang muốn làm một sản phẩm nào đó có thể thu hút thị trường. Vì thế, giải pháp đầu ra cho sản phẩm càng trở nên cấp thiết.
Hội nghị của Bộ Công thương đã thu hút những khách hàng lớn có khả năng tiêu thụ, quảng bá và marketing cho những sản phẩm OCOP. Nhưng muốn sự kết nối này thành hiện thực thì bản thân các địa phương có sản phẩm OCOP phải tự tổ chức kết nối giới thiệu sản phẩm tới các siêu thị, điểm bán lẻ hay sân bay, trạm dừng nghỉ… Muốn như vậy, những sản phẩm OCOP phải được “chuẩn hóa” từ bao bì, đóng gói tới chất lượng để có thể tới được những địa chỉ có yêu cầu cao.
Kinh nghiệm ở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), khi một Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp làm marketing cho những sản phẩm OCOP rất bình dị của địa phương mình như ớt chỉ thiên, rau dớn, lá dung… Những sản phẩm tự nhiên này được thu hái, xử lý và đóng gói rút chân không theo đúng yêu cầu của siêu thị. Đến nay thì nhiều sản phẩm OCOP của Sơn Hà đã đường hoàng vào những chuỗi siêu thị lớn như Co.op Mart và rất được người tiêu dùng hoan nghênh. Nhìn những túi ớt chỉ thiên được đóng gói rút chân không sạch và đẹp, ai cũng thích. Nếu không có sự nhiệt tình và tinh thần vì dân, vì quê hương của những lãnh đạo cấp huyện thì sản phẩm OCOP của các địa phương khó lòng tới được các siêu thị hay sân bay, điểm dừng chân… như hội nghị của Bộ Công thương mong muốn.
Trong kinh tế thị trường, mỗi sản phẩm muốn được tiêu thụ tốt không chỉ cần đáp ứng chất lượng, sự độc đáo, mẫu mã… mà rất cần tiếp thị, giới thiệu, đưa sản phẩm tới những nơi tốt nhất mà nó có thể bán được, có thể trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Lâu nay, nhiều địa phương có những đặc sản rất tiềm năng, nhưng do không quảng bá, không tìm cách đưa được sản phẩm tới các chuỗi bán lẻ, các hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, cũng như không có mối liên kết tiêu thụ giữa các tỉnh gần gũi liền kề nhau nên đã bỏ qua rất nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Những địa phương gần kề Gia Lai chẳng hạn, thấy những sản phẩm OCOP rất thú vị của Gia Lai nhưng không biết tìm mua ở đâu, nhất là mua tại địa phương mình, những nơi thuận tiện nhất với mình. Không đưa được sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng thông qua các hệ thống bán lẻ thì không thể nào tiêu thụ và quảng bá được sản phẩm, cũng như kích thích được sản xuất.
Cả nước bây giờ đã có những hệ thống bán lẻ phủ sóng, vì vậy rất cần sự tiếp thị kiên trì và hiệu quả của các địa phương có sản phẩm OCOP, để sự liên kết trở nên thông thoáng giữa cơ sở sản xuất, nơi bán hàng và người tiêu dùng. Cầu nối này phải được thiết lập nhờ sự tích cực của lãnh đạo các địa phương, vì các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP phần nhiều đều nhỏ lẻ và chưa có khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm của mình.
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm