Cũng như TPHCM, trong khi người dân sinh sống ở Hà Nội đang chật vật, mưu sinh để kiếm tiền mua nhà ở thì nhiều nhà tái định cư lại đang dư thừa, thậm chí có hàng ngàn căn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí cho ngân sách thành phố. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án tái định cư cần điều chỉnh ngay các điểm bất hợp lý, đặc biệt phải phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) sở hữu một vị trí “vàng” tại quận Cầu Giấy nhưng 10 năm chưa xong. Ảnh: Cao Nguyên |
Xuống cấp, cửa đóng then cài
Những căn nhà cao tầng mọc lên với hy vọng sẽ là tổ ấm cho nhiều người, nhiều gia đình khi phải di dời chốn cũ. Nhưng rồi, nhà xây xong không có người đến ở, nhiều năm bỏ hoang khiến công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Việc bỏ hoang này đã gây lãng phí nhiều cho ngân sách. Ghi nhận của PV trên địa bàn các quận như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên… đến thời điểm hiện nay còn rất nhiều tòa nhà tái định cư bỏ trống. Xung quanh tòa nhà, cỏ cây um tùm, lối vào và ra tại một số chung cư cửa đóng then cài. Thậm chí, nhiều điểm của một số tòa nhà có kim tiêm vứt tràn lan.
Ba tòa nhà màu xanh nước biển (là nhà tái định cư) nằm trên đường Tân Mai kéo dài hay còn gọi là đường 2,5 (thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đã xây dựng hơn 2 năm nay nhưng đến giờ vẫn để trống. Xung quanh cả ba tòa cây cối cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ là nơi tập kết hàng hóa cho người dân. Tại lối vào và cửa ra đều được bịt kín bằng tôn, rác ùn ứ chất thành đống. Phần tường, móng đã bị nứt nẻ. Điều đáng nói, có nhiều chỗ xuất hiện kim tiêm vứt lác đác.
Hay như Dự án nhà ở tái định cư tại ô đất A14 khu đô thị Nam Trung Yên do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) làm chủ đầu tư, với diện tích đất lên đến 53.922m2, diện tích xây dựng là 7.520m2 với 4 tòa nhà cao 21 - 30 tầng nằm ngay trung tâm phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy.
Được biết chung cư tái định cư A14 Nam Trung Yên được phân cho các hộ gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng khu Ô Chợ Dừa nhằm phục vụ mục đích mở rộng đường trong nội thành Hà Nội. Các hộ gia đình ngoài số tiền đền bù được nhận còn được ưu tiên mua căn hộ tái định cư tại đây.
Cho đến nay, cả bốn tòa nhà đã hoàn thiện nhưng lượng người dân vào ở vẫn chưa hết. Trao đổi với Lao Động, một cán bộ của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) cho biết, đây là nhà tái định cư được thành phố giao xây dựng và đầu tư. Đây không phải là nhà bán bình thường. Vị này nói thêm, đến nay nhà đã xây xong nhưng việc bàn giao nhà thì theo đợt. “Việc bàn giao bao nhiêu hộ phụ thuộc vào ban công sở của thành phố”, vị này nhấn mạnh và cho biết rằng khi nhà xây dựng xong mà có dân vào ở thì rất tốt. Nếu để lâu không có người ở khó tránh tình trạng xuống cấp.
Hay như dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) sở hữu một vị trí “vàng” tại quận Cầu Giấy nhưng 10 năm vẫn phải ngắm nhìn sự phát triển của những tòa nhà hiện đại xung quanh, mà bản thân thì chịu đựng số phận bị bỏ hoang. Quy mô của dự án gồm 15 tầng nổi và 1 tầng hầm, với tầng 1 và 2 là tầng thương mại, căn hộ ở từ tầng 3 đến tầng 15. Được chia thành 4 đơn nguyên với các loại diện tích: 50m2 - 56m2 - 60m2 - 65m2 - 66m2 - 80m2 - 87,5m2, mỗi đơn nguyên sẽ bao gồm: 5 căn hộ; 2 thang máy cao tốc và 1 thang thoát hiểm.
Được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào 2013, tuy nhiên đến nay, tòa chung cư vẫn chưa thể hoàn thiện và đang trong tình trạng “phơi sương phơi nắng”. Theo ghi nhận, qua nhiều năm, hàng rào bằng tôn bao quanh dự án bị viết, dán chằng chịt những thông tin quảng cáo. Tại mặt phố Duy Tân, vỉa hè bên ngoài chung cư còn được tận dụng làm nơi tập kết thùng rác.
Ở bên trong, dây leo, cỏ dại mọc bám theo chân tường, cây cối cao quá đầu người che kín lối đi. Chứng tỏ đã khá lâu nơi này không có bàn tay của con người động tới. Tầng trệt đang được thi công dang dở, phế liệu bị vứt ngổn ngang ở bên ngoài. Lối vào phía mặt đường Trần Thái Tông luôn trong tình trạng đóng, chỉ có một người bảo vệ trông coi hằng ngày chứ không thấy bóng dáng công nhân hay xe công trình ra vào.
Giải quyết ngay các điểm bất hợp lý
Đánh giá về chất lượng nhà tái định cư, anh Hoàng Văn Thành (một cư dân sống tại khu đô thị Nam Trung Yên), cho biết chất lượng nhà rất kém, như vữa trát tường mới sử dụng nhưng đã bong tróc, sơn phía ngoài đã phủ rêu mốc, cửa sổ và cửa ra vào mới đưa vào sử dụng nhưng không chắc chắn. “Khu nhà tôi ở, nhà vệ sinh một tuần có khi hỏng 2-3 lần, các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rất sơ sài” - anh Thành chia sẻ.
Theo một chuyên gia bất động sản, bên cạnh việc chất lượng kém, việc xây dựng quá dập khuôn, máy móc, không tham vấn cộng đồng dân cư cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà không người ở, do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của họ.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, trước đây có chủ trương là phải xây quỹ nhà tái định cư để phục vụ phát triển các dự án thu hồi đất ở, nhà ở của người dân nằm trong dự án. Tuy nhiên, dự án nhà tái định cư dần bộc lộ các bất hợp lý.
Cụ thể, theo ông Đính, chất lượng của nhà tái định cư có liên quan hai giai đoạn về chính sách dành cho loại hình nhà ở này.
Ở giai đoạn trước, nhà tái định cư được thực hiện như dự án ngân sách Nhà nước, được cấp vốn rồi giao cho các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư, xây dựng, kèm theo một số ưu đãi cho các đơn vị này. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án nhà tái định cư trong giai đoạn này chưa thể hiện tốt.
“Bên cạnh đó, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không lại chưa được tiến hành kỹ càng, sâu sát. Hệ quả là, nhiều quỹ nhà tái định cư được xây dựng trước đây bị bỏ hoang vì không phù hợp nhu cầu sử dụng và các công trình đó thường xuống cấp rất nhanh” - ông Đính nói.
Ông Đính cho rằng, sau khi nhận thấy nhiều bất cập, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có điều chỉnh, thay cho việc xây nhà tái định cư. Qua đó, những nhà nằm trong dự án có thể được quy đổi ra tiền. Nhà nước mua theo giá thị trường sau đó có thể giới thiệu hoặc người dân tự tìm mua nhà mới.
Ngoài ra, theo ông Đính các nhà tái định cư có nhiều bất cập, không phù hợp nên đã có nhiều dự án bỏ trống. Trong khi đó, nhà tái định cư thường được miễn quyền sử dụng đất, nhà nước dùng tiền ngân sách đầu tư xây dựng, tu bổ nhưng bỏ trống thì đó là một thiệt đơn thiệt kép. Tình trạng nhà tái định cư đang bỏ hoang, hư hỏng và xuống cấp, nhiều tỉ đồng của Nhà nước đang bị lãng phí; Trong khi đó không ít người dân thiếu nhà để ở. Đây là nghịch lý đang tồn tại cần có giải pháp để tìm được lối ra cho những căn nhà tái định cư này.
CAO NGUYÊN (LĐO)